backtop

6 sự khác biệt cơ bản giữa marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng 

Mặc dù mục đích chính của chiến lược tiếp thị là quảng bá sản phẩm đến gần hơn người tiêu dùng để xây dựng nhận thức thương hiệu và gia tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của ngành Dược phẩm nên chiến lược marketing Dược có những sự khác biệt nhất định so với marketing ngành hàng tiêu dùng. Hãy cùng PharMarketing tìm hiểu về sự khác nhau giữa marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng trong bài viết dưới đây.

Mục tiêu trong marketing Dược

Dễ nhận thấy marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng khác nhau trong mục tiêu triển khai. Marketing hàng tiêu dùng thường đặt mục tiêu kinh tế, tối đa hóa lợi nhuận lên hàng đầu. Do đó, chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng cần sự sáng tạo cao để tạo ra những thông điệp ấn tượng nhằm thu hút thật nhiều khách hàng mục tiêu.

Mục tiêu của marketing Dược
Marketing Dược hướng đến 2 mục tiêu chính là: sức khỏe và kinh tế

Marketing Dược thường tập trung vào 2 mục tiêu cơ bản đó là:

  • Mục tiêu sức khỏe: Doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm Dược hiệu quả, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn với người sử dụng. Điều này đồng nghĩa với mục tiêu mang đến những giá trị đích thực cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, các thông tin quảng cáo phải chính xác, rõ ràng và dễ hiểu.
  • Mục tiêu về kinh tế: Kinh tế là mục tiêu quan trọng quyết định đến hoạt động kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm mới và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Dược. Vì vậy, marketing Dược nhắm đến mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao để mang lại doanh thu giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và đóng góp cho cộng đồng.

Sản phẩm

Marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng có sự khác biệt rõ ràng nhất trong sản phẩm được tiếp thị. Hoạt động marketing Dược hướng đến việc tiếp thị các sản phẩm thuốc chữa bệnh, sản phẩm hỗ trợ sức khỏe... Do các sản phẩm này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng nên các hoạt động marketing cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về luật và đạo đức quảng cáo. 

Nguyên tắc khi thực hiện các chiến lược marketing Dược đó là: Bán đúng sản phẩm, đúng giá và đúng khách hàng có nhu cầu. Một thông tin quảng cáo không chính xác hoặc “quá đà” có thể dẫn đến sự hiểu lầm cho người tiêu dùng khi sử dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. 

Khách hàng trung thành với thương hiệu

Mức độ trung thành thương hiệu của người tiêu dùng Dược thường cao hơn người sử dụng hàng tiêu dùng. Do đó, chiến lược marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng sẽ có sự khác biệt để nâng cao lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu. Với hàng tiêu dùng, nếu sản phẩm của doanh nghiệp chưa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ sẵn sàng lựa chọn thương hiệu khác để trải nghiệm nhằm tìm ra sản phẩm “chân ái” cho mình. Ví dụ: khách hàng mua sản phẩm sữa tắm của thương hiệu A sẽ sẵn sàng thay thế bằng sữa tắm của thương hiệu B. 

Mức độ trung thành của người tiêu dùng Dược khá cao
Người tiêu dùng Dược có mức độ trung thành với thương hiệu khá cao

Đối với sản phẩm Dược, các bệnh nhân thường có tâm lý phải sử dụng thuốc đúng thương hiệu hiệu thì mới có hiệu quả. Đặc biệt, họ cũng là những người cân nhắc rất kỹ trong việc đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm Dược. Vì vậy, một khi đã lựa chọn sản phẩm Dược có hiệu quả với nhu cầu sức khỏe của bản thân thì người tiêu dùng cũng không dễ chuyển sang thương hiệu khác như ngành hàng tiêu dùng. Do đó, việc tăng cường hoạt động branding thường được các doanh nghiệp Dược chú trọng để xây dựng niềm tin thương hiệu. 

Giá sản phẩm

Giá sản phẩm cũng là một sự khác biệt dễ nhận thấy trong chiến lược marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng. Ngành hàng tiêu dùng thường sử dụng chiến lược ưu đãi, giảm giá sản phẩm… để kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nhằm gia tăng doanh số bán hàng.

Tuy nhiên, sản phẩm ngành Dược không chịu tác động nhiều về giá như sản phẩm hàng tiêu dùng. Bởi giá sản phẩm Dược được niêm yết theo quy định của nhà sản xuất và đa số người bệnh thường mong muốn lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, uy tín với hy vọng nhanh khỏi bệnh. Do đó, giá thành sản phẩm không ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Dược. Ngoài ra, các chương trình thúc đẩy doanh số: khuyến mãi, chiết khấu… thường chỉ được áp dụng cho các đại lý phân phối, nhà thuốc…

Khách hàng mục tiêu

Khách hàng mục tiêu của marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt trong cách triển khai các hoạt động tiếp thị. Nếu hàng tiêu dùng hướng đến khách hàng là người trực tiếp sử dụng sản phẩm thì ngành Dược tập trung vào các đối tượng đưa ra quyết định sử dụng thuốc là chủ yếu.

Marketing Dược tập trung vào các đối tượng đưa ra quyết định sử dụng thuốc
Khách hàng mục tiêu marketing Dược tập trung vào người mua hàng và người tiêu dùng cuối

Người tiêu dùng Dược thường không đủ kiến thức để phân tích lựa chọn sản phẩm nào tốt cho bản thân nên họ rất nghe theo ý kiến của các chuyên gia y tế.  Vì vậy, các doanh nghiệp Dược tập trung hoạt động marketing hướng đến các bác sĩ, nhân viên y tế, dược sĩ (đối với các kênh thuốc ETC) và đẩy mạnh branding để bán trực tiếp cho người tiêu dùng (đối với các loại thuốc OTC).

Chi phí nghiên cứu và phát triển 

Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố cạnh tranh hàng đầu đối với marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng. Do đó, cả 2 ngành này đều đầu tư vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt đa nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nên việc phát triển và nghiên cứu dược cần trải qua một quá trình dài, bao gồm nhiều công đoạn để thử nghiệm và phê duyệt trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vì vậy, chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển một sản phẩm Dược sẽ tốn kém gấp nhiều lần sản phẩm hàng tiêu dùng. 

Marketing Dược thực chất là sự kết hợp giữa kiến thức marketing và kiến thức ngành Dược. Do đó, ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn chắc chắn thì các Marketer ngành Dược cần am hiểu kiến thức về sản phẩm Dược để đưa ra chiến lược marketing phù hợp. Chính vì vậy, mà marketing Dược có chi phí cao hơn và Marketer cần trình độ chuyên môn cao để xây dựng và triển khai các chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Kết luận

Chiến lược marketing Dược thường yêu cầu cao và khó thực hiện hơn marketing hàng tiêu dùng do bị giới hạn bởi những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước. Để xây dựng và triển khai các kế hoạch marketing Dược đạt hiệu quả cao thì ngoài kiến thức vững chắc về marketing, các Marketer cần không ngừng trau dồi kiến thức về ngành Dược phẩm. PharMaketing mong rằng những kiến thức chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa marketing Dược và marketing hàng tiêu dùng.

Xem thêm: Marketing truyền thống ngành dược phẩm: Liệu có lỗi thời trong kỷ nguyên số hóa

Nguồn: MarketingAI

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn