Mục tiêu của Marketing Dược: xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng
Xác định mục tiêu được coi là yếu tố hàng đầu để tạo nên những chiến dịch marketing hiệu quả. Vậy mục tiêu của marketing Dược là gì? Cách xác định mục tiêu đó như thế nào? Hãy cùng PharMaketing tìm hiểu các mục tiêu chung của marketing Dược, phương pháp xác định mục tiêu của marketing Dược ở bài viết dưới đây.
Mục tiêu của marketing Dược là gì?
Marketing Dược hiểu một cách đơn giản là các hoạt động và quy trình để tạo, kết nối, phân phối và trao đổi dược phẩm đến tay người tiêu dùng.
Không riêng gì lĩnh vực Dược, 2 mục tiêu chính của marketing là mục tiêu giá trị và mục tiêu kinh tế. Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp luôn phải tạo ra các chiến lược marketing giúp 2 mục tiêu này song hành cùng nhau.
Mục tiêu đầu tiên của marketing Dược là mục tiêu giá trị. Đích đến cuối cùng của một doanh nghiệp Dược là cung cấp các sản phẩm phù hợp nhằm mang lại giá trị sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng. Để đạt được điều này, hoạt động marketing Dược cần xuất phát từ trái tim, sản phẩm phải được bán cho đúng đối tượng, đúng nơi, đúng loại và đúng giá thành.
Song song với mục tiêu giá trị là mục tiêu kinh tế, quyết định tương lai sống còn cho công ty. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Tuy nhiên, sự khác biệt của ngành Dược là kinh tế phải luôn đi cùng giá trị, chỉ có tạo được giá trị cho sức khỏe cộng đồng, doanh nghiệp Dược mới có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận này. Với đặc thù ngành, bị kiểm soát bởi nhiều quy định chặt chẽ, marketing Dược phẩm cần có sự khéo léo, nhanh nhạy và khoa học để tiếp thị tốt hơn các sản phẩm đến khách hàng mục tiêu của mình, từ đó tạo ra doanh thu cho công ty.
Dựa trên hai nhóm mục tiêu chính, doanh nghiệp cần xây dựng các mục tiêu cụ thể, điển hình như:
- Tăng cường nhận biết thương hiệu và nhãn hiệu để tạo dựng niềm tin.
- Cung cấp kiến thức cho bác sĩ và dược sĩ.
- Giáo dục bệnh nhân bằng cách cung cấp thông tin về các triệu chứng và các lựa chọn điều trị.
- Hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Tăng doanh số bán hàng.
Phương pháp xác định mục tiêu của marketing - Khung mục tiêu SMART
Mô hình SMART là những công cụ xây dựng mục tiêu hiệu quả, giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu hợp lý, từ đó xây dựng và thực thi chiến dịch marketing tốt hơn.
SMART: Specific, Measurable, Attainable, Realistic, and Timely.
S - Specific: Mục tiêu marketing cụ thể
Mục tiêu càng cụ thể càng thúc đẩy sự thành công chiến lược marketing và đóng vai trò là thước đo để đo lường kết quả.
Dưới đây là một số ví dụ về mục tiêu marketing Dược cụ thể:
- Thu hút nhiều bệnh nhân đến với phòng khám
- Nâng cao chất lượng thông tin y tế trực tuyến
- Tăng cường lượng truy cập đến trang web
- Nâng cao nhận thức của mọi người về bệnh tật
- Tăng tổng thị phần lên 5%
- Tăng 30% doanh thu
M - Measurable: Mục tiêu marketing có thể đo lường
Doanh nghiệp nên ưu tiên các mục tiêu có thể lượng hóa và đo lường một cách cụ thể. Điển hình như: Số lượng lead thu về từ một chiến dịch quảng cáo, Số lượng traffic trên website, Lượt tương tác của các bài đăng, Tăng tỷ lệ Retention Rate lên bao nhiêu,...
A- Attainable: Mục tiêu marketing khả thi
Để tìm ra liệu mục tiêu có khả thi hay không, dữ liệu chính là chìa khóa bạn cần sử dụng. Lấy ví dụ, nếu muốn tăng doanh thu lên 10%, trong khi dữ liệu trước đó báo cáo rằng doanh thu vẫn tăng đều đặn 6% trong 6 tháng qua, thì bạn biết rằng với nỗ lực và chiến lược hơn một chút, doanh nghiệp có thể đạt được 10% đó. Vậy đây là mục tiêu khả thi.
R- Realistic: Mục tiêu marketing thực tế
Mục tiêu marketing thực tế là gì? Đó chính là mục tiêu khả thi mà doanh nghiệp có thể hoàn thành với nguồn lực hiện tại. Cẩn thận xem xét lại nhân sự, tài chính, thời gian và các yếu tố ảnh hưởng để đánh giá xem liệu mục tiêu marketing đã thật sự thực tế dành cho doanh nghiệp của bạn hay chưa.
Một khi đã xác định rằng mục tiêu marketing là thực tế của bạn, hãy đánh giá tính kịp thời của chúng.
Xem thêm: Các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược
T- Timely: Mục tiêu marketing đúng lúc
Vậy sẽ mất bao lâu để hoàn thành mục tiêu? Mục tiêu nhất định phải phù hợp với khung thời gian. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ mất bao lâu để tăng doanh thu của mình lên 10%? Đây là điều bạn nên thảo luận sớm trong chiến dịch marketing để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.
Nếu không đưa ra một thời hạn hoàn thành, doanh nghiệp dược rất dễ rơi vào bẫy trì hoãn các hoạt động, dẫn đến tốc độ thành công chậm hơn. Ví dụ: Tăng khách hàng tiềm năng lên 5% mỗi tháng, dẫn đến tăng khách hàng tiềm năng 30-35% trong nửa năm.
Ví dụ về mục tiêu marketing Dược
Ví dụ 1: Tăng tổng thị phần lên 5% vào cuối năm
Khi thị trường đang trở nên đông đúc hơn, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Dược là phải giành được càng nhiều thị phần càng tốt. Việc tăng thêm dù chỉ là một số ít phần trăm so với đối thủ cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Cụ thể - Cải thiện tổng thị phần
- Có thể đo lường - Tăng 5%
- Khả thi - Phải xác định các lĩnh vực có khả năng mất mát, chẳng hạn như sự rời bỏ của khách hàng và các lĩnh vực thu được lợi ích như quảng cáo được nhắm mục tiêu
- Thực tế - Phải đảm bảo có một cách đáng tin cậy để thường xuyên đo lường thị phần
- Có thời hạn - Đến cuối năm
Ví dụ 2: Tăng cường sự tương tác trên Facebook lên 30% hàng tháng
Một trong những cách tốt nhất để phát triển marketing thương hiệu là đầu tư vào cộng đồng khách hàng và khách hàng tiềm năng bằng cách nâng cao tiêu chuẩn trên mọi nền tảng mạng xã hội.
- Cụ thể - Cải thiện mức độ tương tác trên Facebook.
- Có thể đo lường - Bằng 30%.
- Khả thi - Phải xác định nội dung đang thu hút người dùng hiện tại và xem 30% có phải là con số hợp lý để phấn đấu hay không.
- Thực tế - Các thống kê và dữ liệu trước đó cho thấy, mức độ tương tác trên Facebook của doanh nghiệp trong vòng 3 tháng gần đây là 20%.
- Có thời hạn - Hàng tháng.
Lời kết
Đặt mục tiêu marketing giúp xác định phạm vi và hiệu quả tiềm năng của các chiến dịch, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn để đạt được mục tiêu đó trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Xu hướng marketing Dược phẩm thường xuyên thay đổi và cập nhật, đòi hỏi Marketer phải đưa ra được những mục tiêu, định hướng cụ thể thích hợp cho từng giai đoạn. Vì vậy, đặt rõ mục tiêu của marketing Dược là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp.
Hy vọng với những chia sẻ chân thực của PharMaketing trên đây có thể giúp bạn nắm rõ hơn về mục tiêu marketing Dược và cách thức xác định mục tiêu marketing cho từng giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn