Phân tích ưu và nhược điểm các dạng content marketing Dược phổ biến
Với nhu cầu thông tin cực lớn của khách hàng ngành Dược phẩm, Content Marketing trở thành một trong những công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực đặc thù này. Vậy có những dạng content marketing Dược nào? Và ưu nhược điểm của mỗi dạng content dược là gì? Theo dõi những chia sẻ của PharMarketing về ưu nhược điểm của các dạng content Dược mà bạn cần nắm rõ để có thể triển khai chiến lược content marketing tốt nhất.
Video Content
Trong thời gian gần đây, Video Content đã trở thành một trong những công cụ marketing được sử dụng phổ biến trong ngành Dược phẩm. Số lượng các trang web, trang mạng xã hội, truyền hình, báo chí... giới thiệu nội dung video ngày càng tăng và nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng nó như một phần quan trọng trong chiến lược marketing của họ. Nếu bạn đang cân nhắc liệu Video Content có phù hợp với doanh nghiệp dược của mình hay không, thì đây là một số ưu và nhược điểm để bạn đánh giá.
Ưu điểm của video
Video được Hubspot đánh giá là công cụ mang lại tỷ lệ chuyển đổi lớn nhất cho marketing trong năm 2023. Một số ưu điểm nổi bật của content marketing dược này phải kể đến như:
1. Video thu hút sự chú ý
Báo cáo Công ty Marketing dược phẩm BlueNovius cho thấy các công ty dược tăng tỷ lệ chuyển đổi lên tới 86% khi họ đưa video lên trang đích của mình. Ngoài ra, Theo báo cáo từ Forrester Research, một video có thể diễn đạt ý nghĩa của hàng nghìn từ ngữ nếu ghi ra nội dung trên văn bản. Vì vậy, các công ty dược sử dụng hình thức content marketing này để trình bày những ý tưởng phức tạp một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Bằng cách sử dụng video, bạn có thể kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh và chuyển động, tạo nên sự độc đáo, thu hút cho người xem.
Ví dụ nổi bật về sự thành công thu hút vượt trội của content video dược phẩm có thể kể đến như Thương hiệu Otiv tăng doanh số 200% với phim ngắn 22 triệu view kết hợp cùng Ca sĩ Sơn Tùng MTP - “Đại chiến Zombie mất ngủ, đau đầu”. Hoặc với Bio- Acimin âm nhạc hóa thông điệp sản phẩm của mình một cách dễ nhớ, dễ thuộc khiến sản phẩm luôn nằm trong tâm trí các mẹ, còn em bé chỉ cần nghe nhạc là đã có thể bập bẹ hát theo lời.
2. Video là một phương tiện truyền thông xã hội mạnh mẽ
Thực tế chỉ ra rằng YouTube chỉ đứng sau Google về mức độ phổ biến và các bài đăng trên mạng xã hội bao gồm video có lượt xem nhiều hơn 48%. Và gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của Tiktok đã tạo nên nền tảng phát triển mạnh mẽ cho các xu hướng content video.
3. Video tương thích cao với các thiết bị di động
Mức xem, lưu trữ video trên thiết bị di động tăng 100% mỗi năm. Cisco dự đoán rằng 75% lưu lượng dữ liệu di động sẽ đến từ video vào năm 2023. Vì vậy, điều quan trọng là chiến lược tiếp thị nội dung video của bạn phải kết hợp các định dạng di động và bao gồm các tùy chọn ngắn gọn, bắt mắt được tối ưu hóa cho thiết bị di động.
Nhược điểm của video
1. Quá trình sản xuất video tốn nhiều thời gian
Việc tạo video thường có nhiều giai đoạn - tiền sản xuất, sản xuất và hậu kỳ. Ngay cả khi bạn định tạo video chỉ xoay quanh một sự kiện kéo dài 1 ngày, thì quá trình hậu sản xuất (chỉnh sửa, tô màu, đồng bộ hóa âm thanh, v.v.) có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để hoàn thành. Vì vậy, nếu thời gian có hạn, bạn cần xem xét kỹ lưỡng các công đoạn sản xuất video và dự tính thời gian thật kỹ càng.
Đặc biệt với một content video dược phẩm, ngoài khâu hậu kỳ và nội dung cần chuẩn bị kỹ lưỡng như các dạng video khác, việc tìm kiếm diễn hay người edit cũng cần phải được trau chuốt để đảm bảo từng từ ngữ diễn đạt đến người xem là hoàn toàn chính xác, khoa học. Thông thường, người chia sẻ thông điệp cho video dược là những bác sĩ, dược sĩ với hiểu biết sâu rộng, có kinh nghiệm làm nghề nhiều năm. Quá trình lựa chọn người phối hợp sản xuất này cũng mất khá nhiều thời gian.
2. Chi phí video tốn kém
Từ việc viết kịch bản và lên bảng phân cảnh, đến chi phí diễn viên, chi phí quay dựng,.... việc sản xuất video sẽ khá tốn kém. Chưa kể, việc sản xuất video dược cần cả ekip có chuyên môn dược hoặc am hiểu về kiến thức dược như bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia, nhà khoa học để tăng độ uy tín cho video.
3. Video thường khó cập nhật, chỉnh sửa
Nếu như một bài đăng trên blog, khi các tình huống phát sinh hoặc số liệu thống kê thay đổi, thì việc chỉnh sửa nhanh chóng để phản ánh sự thay đổi là tương đối đơn giản. Với video, việc thực hiện các thay đổi dù chỉ là nhỏ cũng phức tạp hơn.
Vì vậy, có thể thấy Video Content là một công cụ linh hoạt trong kho vũ khí marketing, với phạm vi tiếp cận rộng lớn và tỷ lệ giữ chân người dùng cao. Tuy nhiên, hãy nhớ lập kế hoạch khôn ngoan, cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng và đưa video vào vị trí và thời điểm thích hợp nhất.
SEO content
Các bác sĩ, dược sĩ hiện nay sử dụng internet như một công cụ nghiên cứu và cập nhật những phát triển trong ngành y tế. Bệnh nhân cũng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các thông tin về triệu chứng, phương pháp điều trị và đơn thuốc,... trên internet. Vì vậy, các công cụ tìm kiếm trở thành một điểm chạm quan trọng trong Marketing Dược phẩm và SEO chính là giải pháp không thể thiếu cho mọi nhãn hàng.
Tuy nhiên, ứng dụng SEO ngành Dược phẩm cũng có một vài ưu & nhược điểm khiến marketing cần cân nhắc khi sử dụng.
Ưu điểm của SEO
SEO mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho ngành Dược phẩm như:
1. ROI cao
Một trong những lý do chính khiến SEO tạo ra lợi tức đầu tư đáng kể như vậy là vì nó thu hút lưu lượng truy cập có khả năng chuyển đổi cao. Mục tiêu của SEO là hiển thị các nội dung của website thương hiệu khi mọi người đang tích cực tìm kiếm các thông tin liên quan sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu. Những đối tượng tìm kiếm này đều là những khách hàng có nhu cầu và tiềm năng mua hàng cao, vì vậy khả năng chuyển đổi rất lớn.
2. Kết quả lâu dài
Khi SEO đã được tối ưu, website của bạn được bác sĩ, dược sĩ và các bệnh nhân tin tưởng, ghi nhớ, lượng truy cập tốt và ổn định, các nội dung xếp thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm, lượng truy cập sẽ được duy trì tương đối và mang lại hiệu quả về lâu dài cho doanh nghiệp. Lúc này, marketing có thể giảm ngân sách hàng tháng của mình thành chế độ duy trì. Lưu lượng truy cập không trả phí là điều mà đối thủ của bạn không thể mua được. Đó là lợi ích lâu dài mà SEO mang lại.
Nhược điểm của SEO
1. SEO không dành cho các công ty chưa đủ nguồn lực
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, SEO không thực sự dành cho các công ty khởi nghiệp và chưa đủ nguồn lực. SEO phù hợp với doanh nghiệp có khả năng đầu tư số vốn lớn đáng kể vì nó đòi hỏi nhiều công cụ, nguồn lực để triển khai. Các hoạt động SEO dược phẩm cần thiết bao gồm: Quá trình chuẩn bị nội dung kỹ càng với số lượng bài viết rất lớn và giá trị chuyên môn khoa học cao, đội ngũ nhân sự thực hiện kỹ thuật SEO, các công cụ bổ trợ cho SEO,...
2. Mất rất nhiều thời gian để SEO hiển thị kết quả
Có lẽ nhược điểm dễ nhận biết nhất trong việc sử dụng SEO cho doanh nghiệp là khoảng thời gian vừa phải để tạo ra kết quả mong muốn. Quy trình bao gồm chuẩn bị nội dung, chiến lược bài viết, nghiên cứu kỹ thuật chuẩn SEO, thời gian để công cụ tìm kiếm đánh giá bài viết,..., vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để thuật toán trên các công cụ này nhận diện bài.
Đặc biệt với đặc thù ngành dược, quá trình kiểm duyệt thông tin khắt khe hơn các lĩnh vực khác rất nhiều. Một số trường hợp, doanh nghiệp đã gửi bài, mặc dù thông tin về cơ bản đáp ứng các tiêu chí đưa ra nhưng do một vài lỗi kiểm duyệt hệ thống, nội dung vẫn không được chấp nhận. Lúc này, doanh nghiệp dược cần nhiều thời gian sau đó hơn nữa để xem xét, khiếu nại và chờ giải quyết.
Social Media Content
Mạng xã hội là một trong những hình thức truyền thông phổ biến nhất trên thế giới hiện nay với số lượng ước tính rằng có gần 3,96 tỷ người dùng mạng xã hội trên khắp thế giới.
Ưu điểm của Social Media
1. Nhận thức về thương hiệu
Nội dung càng hấp dẫn thì càng thu hút sự chú ý của người xem, càng tạo ra lượt tương tác, share và tốc độ share lớn. Từ đó, giúp thương hiệu của bạn tiếp cận được với lượng lớn khách hàng tiềm năng và tăng khả năng hiển thị.
Những thông tin y học, thuốc và hoạt chất điều trị, bảo vệ sức khỏe vẫn luôn dành được sự quan tâm lớn của người dùng các trang mạng xã hội. Ví dụ dễ thấy nhất ở đại dịch Covid 19, cùng với sự chia sẻ rầm rộ trong các group Facebook về tác dụng diệt virus của xuyên tâm liên. Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu sản xuất và phân phối sản phẩm đẩy mạnh quảng cáo giúp đạt doanh số cực khủng, có những thời điểm cháy hàng.
2. Hiệu quả về chi phí
Social media thường rẻ hơn nhiều so với các hoạt động quảng cáo khác. Chi phí quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook có thể dễ dàng điều chỉnh ngân sách sao cho phù hợp với nguồn lực và mục tiêu đặt ra.
Các doanh nghiệp dược thường lựa chọn đối tượng, khu vực, phạm vi và thời gian chạy cho mỗi quảng cáo là khác nhau, có sự điều chỉnh tối ưu theo từng thời điểm để hạn chế chi phí và gia tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó, một vài công ty áp dụng chính sách lập ra các group dược, bệnh học để tư vấn, giới thiệu và trao đổi thông tin cho người dùng có nhu cầu, thu về hàng trăm nghìn lượt người tham gia mà không mất tiền quảng cáo. Ở đó, tư vấn viên, nhân viên y dược và người dùng giúp đỡ nhau trong điều trị, cập nhật thông tin và mua bán sản phẩm.
3. Lưu lượng truy cập trang web
Nội dung Social Media có thể kết nối và tăng lưu lượng truy cập vào trang web của bạn. Điều này có thể dẫn đến tăng nhận diện thương hiệu, tăng tỷ lệ chuyển đổi ROI và tăng thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm.
Fanpage dược thường được gắn link website cố định ngay đầu trang để người xem dễ dàng truy cập và tìm hiểu nhiều thông tin hơn.
4. Tương tác với khách hàng
Tương tác và trả lời phản hồi trên các trang mạng xã hội là cách hiệu quả để hiểu rõ hơn khách hàng của bạn. Phản hồi tích cực của khách hàng được công khai sẽ giúp bạn thuyết phục các khách hàng tiềm năng khác. Phản hồi tiêu cực làm nổi bật những vấn đề mà bạn cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đặc biệt là các sản phẩm dược phẩm, thời gian phát huy tác dụng, hiệu quả, tác dụng phụ hay những vấn đề xảy ra trong quá trình sử dụng cần được thống kê và xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng. Do đó, tương tác với khách hàng là hình thức bắt buộc đối với bất kỳ một thương hiệu dược phẩm nào.
Nhược điểm của Social Media
1. Thông tin tiêu cực làm xấu thương hiệu
Mặc dù những phản hồi tiêu cực giúp bạn nhận ra những vấn đề cần cải thiện, nhưng nếu quá nhiều, nó cũng dễ dàng khiến thương hiệu của bạn trở nên xấu đi trong mắt người tiêu dùng. Nếu thông tin tiêu cực được chia sẻ trên mạng xã hội, nó có thể lan truyền với tốc độ cực lớn, chỉ sau vài cú click chuột của hàng triệu người dùng.
Điển hình như sự việc của Dược phẩm Hoa Linh và TikToker Hà Linh xảy ra khủng hoảng diện rộng chỉ sau 2 ngày với chiến lược TikTok Marketing tai tiếng. Cụ thể, chiến dịch Livestream TikTok của Hoa Linh và Hà Linh đã khiến cho các nhà thuốc phẫn nộ khi tuyên bố bán dầu gội với giá 18.000 đồng trong video quảng bá, khiến họ hiểu nhầm Hoa Linh đang bán phá giá dầu gội. Ngay sau phát ngôn của Hà Linh được phát sóng trên tiktok vào ngày ¾, đến ngày 4/4 và 5/4 Hoa Linh và Hà Linh đã trở thành tâm điểm của mọi trang truyền thông với hàng loạt phản hồi tiêu cực.
2. Đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh
Hầu như mọi doanh nghiệp đều đang sở hữu những kênh social nhất định và cơ hội tiếp cận khách hàng được chia đều trên thị trường. Ngoài ra, Social media cho phép bạn nghiên cứu chiến lược của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, họ cũng có thể phân tích hoạt động tiếp thị kinh doanh, chiến lược truyền thông, danh tiếng thương hiệu, v.v. thông qua nền tảng mạng xã hội của bạn.
3. Sự thay đổi khó lường của các thuật toán trên mạng xã hội
Các trang web mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube và Tiktok liên tục điều chỉnh thuật toán để nâng cao tính an toàn, phù hợp cho người dùng và cộng đồng. Đặc biệt ở ngành dược, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên những quy định về tính phù hợp, ngôn từ hay nội dung được kiểm soát chặt chẽ hơn. Do vậy, bạn cũng cần cập nhật thông tin và thay đổi nội dung cho phù hợp, tránh khỏi những nội dung bị cấm hoặc hạn chế.
Radio Content
Đài phát thanh (Radio) vẫn là công cụ marketing được nhiều thương hiệu Dược ưa chuông nhờ sở hữu những ưu điểm vượt trội về chi phí triển khai và truyền tải thông điệp thuận tiện.
Ưu điểm của Radio
Dưới đây là những ưu điểm của Radio Content:
1. Hiệu quả về chi phí
Chi phí là một trong những lợi ích vượt trội nhất của Radio Marketing. Khác với quảng cáo TV, chi phí quảng cáo trên đài phát thanh thấp hơn rất nhiều. Ở một số kênh thường được các công ty dược book quảng cáo như tần số radio vov giao thông 91Mhz, VOV1 Thời sự chính trị,... tại các giờ cao điểm, giá quảng cáo rơi vào khoảng 10.800.000đ/ phút.
2. Dễ dàng chạm đến cảm xúc khách hàng
Content radio độc đáo ở chỗ nó sử dụng giọng đọc truyền cảm kết hợp với âm nhạc thích hợp, có thể dễ dàng chạm đến cảm xúc khách hàng hơn rất nhiều các hình thức content khác như hình ảnh hay nội dung bài viết. Từ đó, giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp thuận tiện hơn.
Các quảng cáo dược phẩm thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần qua kênh này thường được kết hợp cùng các hình thức khác như áp phích, quảng cáo TVC,... sẽ giúp khán giả nhớ đến thương hiệu, sản phẩm lâu hơn như Hoạt huyết dưỡng não Traphaco, Viên xương khớp Tâm Bình,...
Nhược điểm của Radio
1. Hiểu sai thông điệp
Radio content truyền đạt qua âm thanh, không có hình ảnh nên khá khó để người nghe hình dung được. Vì vậy, khi muốn truyền tải thông điệp qua radio, bạn phải lên nội dung một cách rõ ràng, lược bỏ đi những từ ngữ phức tạp, khó hiểu có thể khiến người nghe bối rối, đôi lúc hiểu sai.
2. Khó lưu lại, dễ biến mất
Những thông điệp truyền tải qua Radio mang tính chất tạm thời. Người nghe rất khó để lưu lại những nội dung gây ấn tượng với họ. Vì vậy, thay vì chỉ dùng duy nhất Radio Content, các doanh nghiệp dược thường sẽ kết hợp nó với các dạng Content khác như Video, Social hay quảng cáo TVC.
Thông thường, các sản phẩm dược được quảng cáo trên radio là những sản phẩm đã nổi tiếng và được nhiều người biết đến rồi. Hình thức quảng cáo radio nhằm mục đích gợi nhớ, nhắc nhở lại hơn là lưu thông tin nhớ mới cho khách hàng.
KẾT LUẬN
Như vậy, có thể thấy rằng, Content giúp doanh nghiệp thu hút người xem và xây dựng mối quan hệ với khách hàng, cuối cùng là thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, mỗi dạng content khác nhau đều có những nhược điểm của riêng mình. Nắm bắt rõ ưu và nhược điểm các dạng content marketing Dược mà PharMarketing chia sẻ trên đây để triển khai hợp lý sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của các chiến dịch Marketing.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn