backtop

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến Marketing Dược phẩm

Trong bối cảnh thị trường Dược phẩm cạnh tranh gay gắt, các nhãn hàng đang ngày một chú trọng và đầu tư cho các hoạt động Marketing. Tuy nhiên, để tạo nên một chiến lược Marketing hiệu quả trong lĩnh vực đặc thù này là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ các hoạt động tiếp thị trong ngành Dược phẩm luôn chịu sự tác động rất lớn từ môi trường trong và ngoài doanh nghiệp. Cùng PharMarketing phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến Marketing Dược trong bài viết này nhé!

Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô

Môi trường vĩ mô bao gồm các yếu tố nằm bên ngoài doanh nghiệp với phạm vi tác động rộng lớn và lâu dài đến doanh nghiệp cũng như toàn thị trường. Môi trường vĩ mô bao gồm 5 nhân tố sau:

Dân cư

Môi trường dân cư luôn trực tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành Dược thông qua những như: Độ tuổi, xu hướng tiêu dùng, thu nhập, giới tính, mức độ phân bổ dân cư,... 

Môi trường dân cư là một yếu tố ảnh hưởng đến ngành Dược
Môi trường dân cư luôn trực tiếp ảnh hưởng đến ngành Dược

Hiện nay tại Việt Nam, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh cùng với sự cải thiện trong thu nhập của người tiêu dùng đã góp phần không nhỏ vào sự gia tăng đột biến của nhu cầu Dược phẩm. Báo cáo Phó thủ tướng, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân trong ngành Dược đã đạt 10 - 12%. Trong đó, tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng bởi người Việt Nam đạt mức 6,92 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng 73 USD/người.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang dần chú trọng hơn đến các vấn đề về Chăm sóc sức khỏe nói chung và dược phẩm nói riêng. Điều này đã mở ra rất nhiều cơ hội tiếp cận các nhóm khách hàng mới cho các nhãn hàng Dược và cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược rất nhiều hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế

Nhu cầu Dược phẩm vẫn tiếp tục gia tăng trong khi tình trạng lạm phát đang đẩy nền kinh tế toàn cầu vào trạng thái đầy khó khăn. Nhờ đó, ngành Dược được xem là một trong những lĩnh vực khả quan nhất trong giai đoạn lạm phát như hiện nay. Theo IQVIA Institute, Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR trong giai đoạn 2020-2025 là 8%. Tuy nhiên, trước những biến động không lường của tình trạng lạm phát trên toàn cầu, các nhãn hàng Dược phẩm cũng cần có chiến lược để đề phòng những rủi ro xảy ra. 

Về phía chiến lược tiếp thị, tình hình kinh tế cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến Marketing Dược. Nhân tố này có thể tác động đến các khía cạnh như mức chi cho hoạt động tiếp thị, sự thay đổi về chiến lược giá,...

Môi trường tự nhiên

Các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên đang ngày một ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành dược nói chung và các hoạt động marketing dược nói riêng. Quá trình công nghiệp hóa kéo theo tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cho giá nhiên liệu tăng cao, chính phủ ngày càng siết chặt việc sử dụng tài nguyên và người tiêu dùng cũng dành sự quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố bảo vệ môi trường. Do đó, không ít doanh nghiệp trong ngành Dược phẩm đang tích cực triển khai các chiến lược hướng việc bảo vệ môi trường như: các chiến lược CSR, sản xuất bao bi thân thiện môi trường, trồng cây xanh,...

Công nghệ

Là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược mạnh mẽ nhất, công nghệ đang tạo nên những bước tiến mới trong việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối, tiếp thị Dược phẩm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp các nhãn hàng Dược thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm, tối ưu hóa công đoạn sản xuất hay giảm thiểu chi phí,.... Từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Công nghệ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và sản xuất Dược
Công nghệ tạo nên những bước tiến mới trong việc nghiên cứu và sản xuất Dược phẩm

Đặc biệt khi xu hướng số hóa trong tiếp thị ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, công nghệ lại càng được quan tâm hơn. Các công cụ martech được ra đời đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhãn hàng Dược trong việc triển khai các chiến lược marketing, tăng khả năng tiếp cận và chuyển đổi khách hàng.

Chính trị & pháp lý

Là một trong những loại hình sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự sống của cộng đồng, hoạt động marketing cũng như kinh doanh dược phẩm luôn được thắt chặt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định quảng cáo riêng biệt cho lĩnh vực đặc thù này.

Bên cạnh đó, các chính sách ban hành của cơ quan nhà nước cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường dược phẩm. Vì vậy, các nhãn hàng Dược cần chú trọng theo dõi những biến động chính trị và pháp lý để đảm bảo tận dụng tối đa cơ hội và khắc phục những hạn chế mà nhân tố này mang lại.

Văn hóa xã hội

Các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược từ môi trường văn hóa bao gồm: Phong tục tập quán, lối sống, các chuẩn mực giá trị, hành vi,... được công nhận bởi các thành viên trong xã hội. Các đặc điểm này tác động không nhỏ đến những hành vi, quyết định và phản ứng của người tiêu dùng. Vì vậy, việc nghiên cứu về văn hóa xã hội giúp doanh nghiệp có thế thiết kế những thông điệp và chiến lược marketing phù hợp, tránh làm trái thuần phong mỹ tục, gây phản cảm cho khách hàng.

Xem thêm: Nấc thang phát triển nghề Marketing Dược

Các yếu tố thuộc môi trường vi mô

Môi trường vi mô thường được hiểu là môi trường kinh doanh đặc thù hoặc môi trường ngành với phạm vi tác động nhỏ hơn môi trường vĩ mô. Các yếu tố thuộc môi trường vi mô ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp hoặc nhóm ngành cụ thể. Trong đó các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược thuộc môi trường vi mô bao gồm:

Doanh nghiệp

Những yếu tố bên trong doanh nghiệp như nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ cấu tổ chức,... đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện các chiến lược marketing. Nếu như nguồn lực tài chính cho phép doanh nghiệp xác định chi phí cho từng hoạt động tiếp thị, thì sức mạnh đội ngũ nhân sự lại là yếu tố then chốt cho sự thành công của các hoạt động đó. Trong khi đó, bộ máy tổ chức lại quyết định khả năng phối hợp làm việc giữa các phòng ban, nhằm đảm bảo hướng đến mục tiêu chung của doanh nghiệp. 

Các yếu tố bên trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến marketing Dược
Các yếu tố bên trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện chiến lược marketing Dược

Đối thủ cạnh tranh 

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành thị trường màu mỡ cho các nhãn hàng dược trong và ngoài nước. Hệ thống sản xuất kinh doanh dược phẩm ngày càng mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu và 43.000 đại lý bán buôn, 62.000 đại lý bán lẻ trên toàn quốc. Sức ép từ những ông lớn trong ngành cũng như sự gia nhập của hàng loạt thương mới đang khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường dược phẩm tăng cao. 

Do đó, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là nhiệm vụ thiết yếu giúp doanh nghiệp nhận biết những mối đe dọa trên môi trường kinh doanh, rút ra bài học từ hoạt động của đối thủ từ đó đề ra những chiến lược phù hợp. 

Nhà cung ứng

Nhà cung ứng cũng là một trong số các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược, tuy nhiên rất nhiều nhãn hàng lại bỏ quên nhân tố này trong quá trình làm tiếp thị. Trên thực tế, nhà cung ứng có thể ảnh hưởng rất lớn đến các khía cạnh như: chất lượng, giá thành sản phẩm, quy trình sản xuất,... Do đó, các hoạt động tiếp thị đến nhà cung ứng cũng đang dần được chú trọng nhiều hơn, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trung gian môi giới

Các bên trung gian môi giới bao gồm: Các đại lý phân phối, lưu thông hàng hóa, trung gian marketing, tổ chức tín dụng,... Trong đó, trung gian marketing và trung gian phân phối được xem là các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược nhiều nhất.

Trung gian marketing được hiểu là những đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động marketing như agency cung cấp dịch vụ tiếp thị, đơn vị quảng cáo,... Nhóm nhân tố này có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của các chiến lược marketing. Trong khi đó, các trung gian phân phối như bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám,... lại tác động trực tiếp đến chiến lược phân phối, hoạt động marketing tại điểm bán,...

Khách hàng

Mọi nỗ lực trong marketing đều hướng đến việc thu hút và chuyển đổi khách hàng. Đối với ngành dược phẩm, các doanh nghiệp có 2 nhóm khách hàng chính bao gồm: Nhóm khách hàng cá nhân (Người tiêu dùng) và nhóm khách hàng doanh nghiệp (Bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám,...). 

Khách hàng ngành Dược là trung tâm của chiến lược marketing
Khách hàng ngành Dược gồm 2 nhóm chính: cá nhân và doanh nghiệp

Ngày nay, xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong ngành Dược phẩm đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong quá trình lựa chọn và ra quyết định mua dược phẩm. Do đó, các chiến lược tiếp thị trong ngành cần chú trọng hơn vào nhóm khách hàng này với một số công cụ như: Quảng cáo, PR, Social Media,.... Đồng thời, không quên các hoạt động marketing hướng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp như: Chiết khấu, giảm giá, Email marketing, hỗ trợ đẩy bán, hỗ trợ chăm sóc khách hàng,...

Công chúng

Phản ứng của công chúng trước các chiến lược tiếp thị tác động rất lớn đến hình ảnh thương hiệu của các nhãn hàng dược phẩm. Doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ từ phía công chúng sẽ có được những lợi thế cạnh tranh rất lớn, gia tăng cơ hội mở rộng và phát triển kinh doanh. Chính vì vậy, ngày nay các nhãn hàng dược đều rất chú trọng đến các hoạt động quan hệ công chúng, thể hiện sứ mệnh với cộng đồng nhằm gia tăng cảm trình đối với người dân. 

KẾT LUẬN

Các yếu tố từ môi trường vi mô và vĩ mô luôn biến động không ngừng và tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm. Việc theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến marketing dược là căn cứ quan trọng giúp các nhãn hàng lên kế hoạch và triển khai thành công hoạt động tiếp thị. Hi vọng rằng những kiến thức từ Pharmarketing sẽ giúp ích cho bạn. Hẹn gặp lại trong những nội dung tiếp theo!

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn