backtop

Mô hình SMART là gì? Xác định mục tiêu hiệu quả bằng mô hình SMART

Thiết lập mục tiêu là công đoạn thiết yếu và đặc biệt quan trọng đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Để có được những định hướng cụ thể và chính xác nhất, hầu hết doanh nghiệp lựa chọn việc xây dựng mục tiêu dựa trên mô hình SMART. Vậy điều gì đã khiến mô hình SMART được ưa chuộng sử dụng đến vậy? Cùng PharMarketing tìm hiểu về sức mạnh của công cụ này trong bài viết dưới đây nhé!

Mô hình SMART là gì?

SMART là mô hình xây dựng mục tiêu được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp hiện nay với vai trò thiết lập và đánh giá tính thiết thực cùng mức độ khả thi của các mục tiêu đó. Với SMART, quá trình xác định mục tiêu trở nên “thông minh” và chính xác hơn rất nhiều, các mục tiêu được đặt ra sẽ phù hợp với mong muốn cũng như nguồn lực của doanh nghiệp. 

SMART là mô hình xây dựng mục tiêu được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp
SMART là mô hình xây dựng mục tiêu được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp 

Cụ thể SMART được cấu thành từ 5 yếu tố sau: 

  • S – Specific: Tính cụ thể của mục tiêu
  • M – Measurable: Mục tiêu có thể đo lường được
  • A – Actionable: Khả năng thực hiện mục tiêu
  • R – Relevant: Các yếu tố liên quan 
  • T – Time-Bound: Thời hạn thực hiện mục tiêu

Với 5 yếu tố trên, SMART giúp doanh nghiệp định dạng được mọi vấn đề xoay quanh một mục tiêu cụ thể, từ tránh việc thiết lập các mục tiêu mơ hồ, thiếu thực tế hay sai lệch với định hướng của doanh nghiệp.

Tại sao doanh nghiệp cần áp dụng mô hình SMART trong Marketing?

Đối với chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp, các mục tiêu trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Để xác định chính xác các mục tiêu đó, đa phần các doanh nghiệp hiện này đều sử dụng mô hình SMART với những lợi ích vượt trội dưới đây:

Cụ thể hóa mục tiêu

Một trong những lỗi sai thường gặp phải trong quá trình xác định mục tiêu đó chính là việc tạo nên những mục tiêu mơ hồ, vĩ mô nhưng thiếu tính cụ thể gây khó khăn trong quá trình đánh giá và thực hiện các hoạt động. 

Cụ thể hóa mục tiêu để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp
Cụ thể hóa mục tiêu để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp

Thay vì xác định mơ hồ như vậy, SMART giúp bạn tạo nên những mục tiêu với những con số có thể đo lường được, đồng thời nêu rõ thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Việc cụ thể hóa mục tiêu cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo mọi cá nhân trong doanh nghiệp của bạn đều có thể hiểu được mục tiêu đó.

Tăng độ chính xác và mức độ phù hợp của mục tiêu

Việc xác định mức độ phù hợp và chính xác của mục tiêu là căn cứ giúp doanh nghiệp loại bỏ những mục tiêu không phù hợp và tập trung vào những mục tiêu thiết thực mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

SMART giúp bạn đạt được điều này thông qua việc phân tích các yếu tố nguồn lực của doanh nghiệp từ đó xác định tính khả thi - Achievable và tính liên quan - Relevant của mục tiêu đó và loại bỏ những mục tiêu không tương thích với doanh nghiệp.

Cải thiện tính đo lường của mục tiêu

Khả năng đo lường của mục tiêu là căn cứ để doanh nghiệp theo dõi và đánh giá hiệu quả các hoạt động trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Với SMART, doanh nghiệp cần đưa ra những con số cụ thể và các tiêu chí giúp đánh giá hiệu quả thực hiện mục tiêu. Dựa trên những chỉ tiêu này, nhà quản lý có được một căn cứ chính xác để đo lường và đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp.

Phù hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty

SMART yêu cầu bạn phải xác định rõ các yếu tố liên quan khi thiết lập một mục tiêu nào đó. Điều này cho phép doanh nghiệp đồng bộ hoá toàn bộ các mục tiêu riêng lẻ từ các bộ phận khác nhau, đảm bảo các mục tiêu này hỗ trợ nhau và thúc đẩy cho việc đạt được mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp.

Giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên

Mô hình SMART giúp nhân viên của bạn có cái nhìn chi tiết, cụ thể về một mục tiêu nhất định, thấu hiểu được tầm quan trọng của mục tiêu và định hình đường lối để đạt được điều đó. Các công việc của nhân viên sẽ được đo lường chính xác dựa trên những chỉ tiêu và con số cụ thể. Ngoài ra, nhờ khả năng xác định thời gian thực hiện mục tiêu, SMART thúc đẩy nhân viên của bạn trong quá trình làm việc, hạn chế tình trạng trì hoãn.

Xem thêm: Chiến lược STP là gì? Tầm quan trọng của STP trong chiến lược Marketing

Phương thức xác định mục tiêu Marketing theo phương pháp SMART

Nguyên tắc SMART cho phép bạn xây dựng các mục tiêu tiếp thị dựa trên 5 yếu tố sau:

Cụ thể (Specific)

Tính cụ thể của một mục tiêu được thể hiện qua một số yếu tố như mục tiêu đơn giản dễ hiểu, dễ hình dung và mọi thành viên trong doanh nghiệp của bạn đều có thể nắm được chính xác mục tiêu đó là gì? Được thực hiện với mục đích nào? Ở bộ phận nào trong tổng thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Ví dụ: Một mục tiêu thiếu tính cụ thể như: Tăng độ nhận diện thương hiệu. Khi được cụ thể hoá qua mô hình SMART, bạn cần trả lời được một số câu hỏi điển hình sau:

  • Mức tăng trưởng cụ thể bao nhiêu %?
  • Đây là mục tiêu cho bộ phận nào thực hiện?
  • Tăng trưởng so với mốc thời gian nào?
  • ...

Nhìn chung, mục tiêu càng cụ thể càng giúp định hướng rõ ràng hơn cho các công việc để đạt được mục tiêu đó. Đó cũng là căn cứ để xác định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận hay cá nhân trong doanh nghiệp.

Cách xác định mục tiêu Marketing theo mô hình SMART
Cách xác định mục tiêu Marketing theo mô hình SMART

Đo lường được (Measurable)

Để đảm bảo mục tiêu có thể đo lường được, bạn cần thiết lập những chỉ tiêu và con số cụ thể cho mục tiêu đó. Các con số phải có tính thực tế và có sự liên quan chặt chẽ đến mục tiêu, đồng thời mang tính định lượng, định tính cao. 

Ví dụ: Với mục tiêu liên quan đến việc tăng trưởng độ nhận diện thương hiệu như trên, doanh nghiệp cần trả lời được một số câu hỏi như: 

  • Các tiêu chí đánh giá mức độ nhận diện thương hiệu?
  • Mức tăng trưởng cụ thể trên từng kênh truyền thông?
  • Các đầu việc cần thực hiện và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả trên từng đầu việc?
  • Mức độ tăng trưởng cần đạt được theo từng ngày, tuần, tháng, quý?

Tính khả thi (Achievable)

Để có thể thực hiện được thì mục tiêu phải phù hợp với những nguồn lực và định hướng của doanh nghiệp. Mục tiêu quá nhỏ với khả năng rất khó để tạo động lực làm việc cho nhân viên, tuy nhiên khi mục tiêu vượt tầm với của doanh nghiệp lại dễ khiến nhân viên của bạn cảm thấy áp lực, chán nản.

Tính khả thi của mục tiêu được xác định trên các nguồn lực và vị thế hiện tại doanh nghiệp, năng lực của đội ngũ nhân sự và những yếu tố có thể tác động từ môi trường bên ngoài như: tình hình thị trường, đối thủ cạnh tranh, nhà cung ứng,...

Tính liên quan (Relevant)

Mục tiêu cần đảm bảo thúc đẩy cho việc đạt được mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp, vì vậy nó cần có khả năng phối hợp với các mục tiêu và các bộ phận khác.

Ví dụ: Với mục tiêu tăng trưởng độ nhận diện thương hiệu, có thể liên quan đến một số bộ phận khác như: 

  • Mở rộng thị trường tiềm năng
  • Tăng doanh số bán hàng

Thời gian (Time-bound)

Thời gian cụ thể là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tiến trình công việc không bị trì trệ, mục tiêu đạt được đúng thời điểm. Đây cũng là căn cứ không thể thiếu để giúp nhân viên của bạn có thể phân chia các đầu công việc hợp lý và thúc đẩy họ làm việc hiệu quả hơn. 

Khi thiếu đi mốc thời gian cụ thể, nhân viên rất dễ rơi vào trạng thái trì hoãn công việc, thiếu động lực làm việc bởi họ không xác định được thời gian cần thiết để hoàn thành mục tiêu. Điều này có thể tác động rất xấu đến luồng hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, kéo theo sự chậm trễ của các mục tiêu khác. 

Sự khác nhau giữa mô hình OKRs và Mục tiêu SMART

OKRs (Objective Key Results) là phương pháp quản trị bằng mục tiêu (Objective) và các kết quả chính (Key Results) cho thấy bạn đã đạt được mục tiêu đó. Thông thường với mỗi mục tiêu (O) sẽ có khoảng 3-5 kết quả chính (KRs) tùy theo đặc điểm và định hướng của doanh nghiệp

OKRs và SMART đều là những công cụ tác động đến quá trình thiết lập mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp. Về cơ bản, các yếu tố cấu thành nên hai mô hình này có sự tương đồng với nhau, tuy nhiên trên thực tế OKRs và SMART có cách thức hoạt động riêng, mang lại những tác dụng khác biệt.

Sự khác biệt giữa OKR và mục tiêu SMART
Sự khác biệt giữa OKR và mục tiêu SMART

Nếu như SMART là một công cụ rất hữu ích cho việc xây dựng những mục tiêu riêng lẻ, cụ thể thì OKRs lại có vai trò rất quan trọng trong những mục tiêu, định hướng tổng thể của toàn doanh nghiệp. OKRs bao gồm hai bộ phận chính là mục tiêu muốn hướng đến và các kết quả trọng điểm cho thấy bạn đã đạt được mục tiêu đó.

Trong đó, điểm khác biệt mấu chốt của hai công cụ này là mức phân cấp về thời gian thực hiện. Một OKR gốc có thể kéo dài thời gian tới 5, 10 năm, gắn với tầm nhìn và sứ mệnh dài hạn của doanh nghiệp. Bên dưới OKR gốc còn có rất nhiều OKR phân cấp theo tưng giai đoạn và bộ phận, cá nhân trong doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nói OKR giúp doanh nghiệp nhìn thấy được bức tranh tổng quan và mối quan hệ giữa tất cả các mục tiêu trong doanh nghiệp. Trong khi đó, SMART lại giúp bạn xác định được rõ ràng các mục tiêu nhỏ lẻ đó.

Ví dụ thực tế về các mục tiêu Marketing theo mô hình SMART

Để có thể hiểu hơn về ứng dụng của mô hình SMART trong việc xây dựng các mục tiêu tiếp thị, bạn có thể tham khảo một số ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1:  Tăng lượng theo dõi trên kênh Facebook của doanh nghiệp:

  • S – Specific: Tăng lượng theo dõi kênh fanpage Facebook so với quý I/2022
  • M – Measurable: Tăng 10% người theo dõi trên Facebook so với 100.000 lượt theo dõi vào quý I/2022
  • A – Achievable: Với danh tiếng hiện tại của công ty cùng tỷ lệ tăng trưởng trung bình của fanpage rất tốt trong thời gian qua, cũng như các nguồn lực của doanh nghiệp, mức tăng trưởng trên có thể thực hiện được.
  • R – Relevant: Tăng độ nhận diện của công ty, Thúc đẩy doanh số bán hàng qua Facebook.
  • T – Time-bound: Mục tiêu cần hoàn thành trong quý II/2022

Ví dụ 2:  Tăng lượng thứ hạng SEO của doanh nghiệp:

  • S – Specific: Tăng thứ hạng tìm kiếm của Website doanh nghiệp trên Google với từ khóa “Mỹ phẩm từ thiên nhiên”
  • M – Measurable: Đạt vị trí top 3 của công cụ tìm kiếm Google
  • A – Achievable: Doanh nghiệp hiện đang ở top 5 trên công cụ tìm kiếm, năng lực đội ngũ SEO tốt và nguồn lực của doanh nghiệp đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu này
  • R – Relevant: Tiếp cận khách hàng có nhu cầu về sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên. Tăng mức độ nhận diện thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng trên website. 
  • T – Time-bound: Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 15/8/2022

Ứng dụng nguyên tắc SMART trong nghệ thuật quản lý nhân sự

Không chỉ hữu ích trong việc thực hiện các mục tiêu Marketing, SMART còn giúp các nhà quản lý điều phối hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân sự. Các yếu tố trong mô hình SMART là căn cứ hiệu quả để có thể đo lường, đánh giá và tạo động lực trong quá trình làm việc của nhân viên.

Trước tiên tính cụ thể trong mô hình SMART giúp đội ngũ nhân sự của bạn nắm rõ mục tiêu cần thực hiện được và vai trò của họ trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Ngoài ra, mô hình SMART cho phép nhà quản trị đánh giá tính thiết thực của mục tiêu dựa trên các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ nhân sự. Từ đó, mục tiêu sẽ trở nên phù hợp với năng lực của nhân viên, tránh gây áp lực, quá tải hay tạo sự nhàm chán trong quá trình thực hiện. 

SMART còn là công cụ giúp nhân viên của bạn dễ dàng phối hợp, vận hành với các phòng ban có liên quan trong quá trình làm việc. Đồng thời, nhờ việc thiết lập các mốc thời gian cụ thể, công cụ này hạn chế tình trạng trì trệ, dồn nén công việc và tạo động lực thúc đẩy nhân viên hoàn thành công việc đúng thời hạn.

KẾT LUẬN

Thiết lập mục tiêu là một trong những nhiệm vụ trọng yếu khi tiến hành các chiến lược Marketing cũng như toàn bộ các hoạt động khác trong doanh nghiệp. Với mô hình SMART, việc xây dựng các mục tiêu của bạn sẽ trở nên thiết thực và chính xác hơn rất nhiều, đồng thời đảm bảo khả năng thực hiện được mục tiêu đó. Với những kiến thức trên, PharMarketing hi vọng rằng bạn đọc đã có được cái nhìn chính xác về mô hình SMART và ứng dụng hiệu quả công cụ này trong việc thiết lập các mục tiêu cá nhân và doanh nghiệp!

Xem thêm: Mô hình kinh doanh là gì? Những loại mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn