Hiệu ứng lan truyền là gì? Ứng dụng Marketing hiệu ứng lan truyền
Hiệu ứng lan truyền là một hiện tượng tâm lý, giải thích việc mọi người có xu hướng sao chép hoặc bắt chước hành động của một người hoặc một nhóm người mà họ tin tưởng. Trong Marketing, hiệu ứng này được coi là chiếc chìa khóa mở ra thành công cho các chiến dịch tiếp thị. Vậy, làm thế nào để ứng dụng thật hiệu quả hiệu ứng lan truyền trong marketing? Hãy cùng PharMarketing tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hiệu ứng lan truyền là gì?
Hiệu ứng lan truyền (Social Proof) là một hiện tượng tâm lý của con người khi họ có xu hướng bắt chước hành động của số đông mà mình tin tưởng. Hay nói cách khác hiệu ứng lan truyền được dùng để lý giải việc nhận thức và hành vi của một cá nhân sẽ chịu sự ảnh hưởng bởi hành động hoặc thái độ của những người xung quanh.
Hiệu ứng lan truyền là một hiện tượng tâm lý, trong đó một cá nhân có xu hướng bắt chước hành động của số đông
Đối với lĩnh vực marketing thì social proof mô tả việc người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm/dịch vụ hoặc đưa ra quyết định mua hàng thông qua đánh giá hoặc chia sẻ từ những người mà họ thích hoặc tin tưởng, chứ không phải từ quảng cáo của doanh nghiệp.
Ví dụ: Khi đưa ra quyết định mua hàng, người tiêu dùng thường có xu hướng tìm kiếm đánh giá của các Reviewer, Blogger hay những khách hàng đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Nếu hầu hết những đánh giá là tích cực thì khả năng cao họ sẽ mua hàng ngay và có thể chia sẻ sản phẩm/dịch vụ cho những người khác. Đây là một ví dụ điển hình của hiệu ứng lan truyền mà chúng ta hay gặp trong marketing.
Vai trò của hiệu ứng lan truyền trong marketing
Với sự phát triển của internet và sự phổ biến của mạng xã hội, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ nào đó trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Trong marketing, hiệu ứng lan truyền thường được các doanh nghiệp ứng dụng trên các nền tảng mạng xã hội của mình để tăng thêm sự uy tín. Chẳng hạn như người tiêu dùng có thể đọc trực tiếp ý kiến tại phần bình luận trên facebook, phần đánh giá trên website... Bên cạnh đó, việc sử dụng sức ảnh hưởng của các chuyên gia, người nổi tiếng (KOLs, Reviewer, TikToker...) cũng rất được ưa chuộng khi doanh nghiệp muốn tạo hiệu ứng lan truyền.
Những ý kiến của người dùng trước đó hoặc của người nổi tiếng mà khách hàng tin tưởng sẽ tạo động lực để họ đưa ra quyết định mua hàng. Không chỉ vậy, hiệu ứng lan truyền còn mang lại những vai trò cho doanh nghiệp như:
- Giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả khi lan tỏa rộng rãi hình ảnh thương hiệu hoặc những thông tin hữu ích về sản phẩm/dịch vụ.
- Khi càng có nhiều người nhắc đến thương hiệu thì nhận thức thương hiệu sẽ được tăng lên.
- Khi khách hàng để lại những phản hồi tích cực về sản phẩm/dịch vụ thì doanh nghiệp sẽ trở nên uy tín hơn trong mắt khách hàng mới. Từ đó, xây dựng niềm tin với khách hàng mục tiêu và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường.
Hiệu ứng lan truyền có những loại nào
Dưới đây sẽ là 3 loại hiệu ứng lan truyền phổ biến nhất mà bạn cần nắm vững:
Hiệu ứng đoàn tàu (Bandwagon effect)
Bandwagon là hiệu ứng tâm lý dùng để chỉ một cá nhân có xu hướng tin tưởng hoặc hành động theo đám đông, dù cho điều đó có thể trái ngược với niềm tin ban đầu của họ. Ngày nay, hiệu ứng đoàn tàu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, điển hình là: Mua một món đồ theo trend trên mạng xã hội, bình chọn cho một nhân vật nào đó dù cho không biết họ là ai, hay lựa chọn phong cách sống theo số đông…
Hiệu ứng mặc định (Default effect)
Đây là hiệu ứng lan truyền được hiểu là khi một cá nhân đang phân vân và chưa đưa ra quyết định cuối cùng thì họ thường có xu hướng lựa chọn phương án được mặc định sẵn hoặc quen thuộc với họ. Ví dụ: Khi cài đặt một ứng dụng nào đó, hầu hết mọi người sẽ lựa chọn chế độ mặc định do nhà phát hành đề xuất, Amazon mặc định tùy chọn là giao hàng tiêu chuẩn để giảm chi phí giao hàng…
Hiệu ứng bầy đàn (Herd effect)
Hiệu ứng bầy đàn hay hiệu ứng đám đông mô tả tình trạng khi suy nghĩ và hành động của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi những người khác. Thông thường, chúng ta thường thấy hiệu ứng này trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội với các “anh hùng bàn phím” để lại những bình luận tiêu cực mặc dù không rõ đầu đuôi sự việc…
Hiện nay, việc áp dụng hiệu ứng bầy đàn vào chiến lược marketing được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Bởi vì, nó giúp doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ tăng tương tác cho các bài đăng trên website, mạng xã hội… để từ đó nâng cao nhận thức thương hiệu.
Xem thêm: Hiệu ứng cánh bướm là gì? Con người học được gì từ quy luật này!
Ví dụ về hiệu ứng lan truyền
Để hiểu rõ hơn về hiệu ứng lan truyền trong thực tế, hãy cùng PharMarketing phân tích trend mang xô, chậu… đựng bỏng ngô ở rạp Lotte Cinema. Mới đây, rạp chiếu phim Lotte Cinema đã triển khai chương trình khuyến mãi “Popcorn Beast - Bắp ngon thỏa thích” mua vé xem phim tặng bỏng ngô miễn phí không giới hạn số lượng. Chương trình này đã nhanh chóng tạo thành trend trên mạng xã hội và rất nhiều nhiều bạn trẻ mang theo đủ các loại vật đựng bỏng ngô như: nồi cơm điện, xô, chậu, nồi cơm điện, vali... để hưởng ứng với trào lưu mới này.
Bài đăng về chương trình ưu đãi này trên fanpage Lotte Cinema đã nhận được 12.000 lượt like, 14.000 lượt bình luận, 708 lượt chia sẻ. Ngoài ra, những bài đăng update tình hình tham gia chương trình tại các cụm rạp của Lotte Cinema trên toàn quốc cũng đạt được nhiều lượt tương tác. Bên cạnh đó, hình ảnh hài hước, dí dỏm của các bạn trẻ tham gia chương trình này cũng được đăng tải trên các fanpage cộng đồng hay TikTok… và nhận được lượng tương tác “khủng” từ cư dân mạng. Có thể thấy, chiến dịch này đã tạo xu hướng trên mạng xã hội và push sale khá tốt cho Lotte Cinema.
Tuy nhiên, bên cạnh những phản ứng tích cực thì cũng có không ít ý kiến cho rằng hoạt động này gây lãng phí thực phẩm và ảnh hưởng tới môi trường.
Kết luận
Có thể thấy, hiệu ứng lan truyền là một trong những công cụ tiếp thị hiệu quả để doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và sự phổ biến của mạng xã hội như hiện tại thì việc ứng dụng hiệu ứng lan truyền một cách khéo léo sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều thành công. PharMarketing hy vọng những kiến thức được chia sẻ trong bài viết này hữu ích cho công việc của bạn. Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.
Xem thếm: Chiến lược kinh doanh là gì? 9 yếu tố giúp xây dựng chiến lược kinh doanh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn