backtop

Pharmacity lột xác ấn tượng sau 18 tháng lao đao với hàng loạt hoạt động mới và chiến lược sáng tạo

16:34- 19/07/2024

Trải qua 18 tháng chông gai, Pharmacity đang tái định hình hoạt động kinh doanh của mình với những chiến lược mới mẻ và sáng tạo. Từ việc cải tiến danh mục sản phẩm, điều chỉnh chiến lược giá, đến đẩy mạnh tương tác qua các kênh truyền thông, Pharmacity đang khẳng định quyết tâm giành lại vị thế dẫn đầu trên thị trường thuốc bán lẻ. 

Từng là chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường, lý do nào khiến Pharmacity đánh mất vị thế?

Bắt đầu từ cuối năm 2021 đến năm 2022, Pharmacity bắt đầu gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến cơ cấu tổ chức và chiến lược kinh doanh. Việc thay đổi CEO hai lần trong vòng 18 tháng đã khiến hoạt động kinh doanh của Pharmacity trở nên rối loạn và mất phương hướng. Chiến lược mở rộng quy mô nhanh chóng của chuỗi nhà thuốc cũng buộc phải dừng lại với 936 cửa hàng, thay vì hơn 1000 như trước đây.

Bên cạnh đó, Pharmacity cũng đang đối mặt với những bất ổn trong hoạt động kinh doanh:

  • Pharmacity hướng tới mô hình cửa hàng tiện lợi khá hiện đại nhưng vẫn chưa phù hợp với thói quen dùng thuốc của người Việt vì phần lớn thuốc tiêu thụ tại thị trường này vẫn là thuốc kê đơn.
  • Danh mục sản phẩm trong các cửa hàng bị loãng và không đảm bảo đủ hàng hóa cần thiết khi có tới hơn 70% sản phẩm không phải là thuốc.
  • Chiến lược giá của thương hiệu chưa phù hợp với thị trường. CEO mới của Pharmacity cũng cho biết nguyên nhân nằm ở việc quản lý giá cả, khiến cho định giá cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường.

Trong khi Pharmacity đang trải qua thời kỳ khủng hoảng, đối thủ FPT Long Châu lại chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2023. Tất cả yếu tố như chiến lược giá phù hợp, danh mục sản phẩm đa dạng, cùng chiến dịch truyền thông ấn tượng đã giúp Long Châu nhanh chóng mở rộng chuỗi nhà thuốc trên toàn quốc. Chỉ trong vòng một năm, thương hiệu này đã soán ngôi Pharmacity, trở thành “ông lớn” thống trị thị trường bán lẻ dược phẩm, với hơn 1700 cửa hàng.

Pharmacity quay trở lại đường đua sau 18 tháng “lạc đường”

Chỉ trong vòng 18 tháng, Pharmacity từ vị trí ngôi vương trong thị trường bán lẻ dược phẩm đã thất thế, nhường chỗ cho đối thủ mới nổi. Tuy nhiên, gần đây, dưới sự lãnh đạo của CEO mới, thương hiệu này đang có dấu hiệu khôi phục lại vị thế của mình. 

Trong nửa đầu năm 2024, Pharmacity đã có những thay đổi rõ rệt trong danh mục sản phẩm, chiến lược giá và các hình thức truyền thông nhằm tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Trang chủ của thương hiệu này cũng đưa ra thông báo cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc sau một thời gian vắng bóng. 

Gây ấn tượng với chiến dịch Omnichannel 

Omnichannel là sự thay đổi ngoạn mục của Pharmacity trong lần trở lại này. Mở đầu chiến dịch là bước đi đầy thông minh khi hợp tác với Grab, mở gian hàng trên Grab Mart để khách hàng có thể đặt thuốc và nhận hàng chỉ trong vòng 30 phút. Sáng kiến này đã giúp Pharmacity giải quyết hiệu quả vấn đề giao thuốc nhanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh chóng và tiện lợi của người tiêu dùng hiện nay.

Hiện tại, hệ thống Omnichannel của Pharmacity đã phủ rộng trên khắp các nền tảng khác nhau, từ các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, đến các dịch vụ vận chuyển như Grab Mart và các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến như Hello Bacsi.  

Tăng cường hoạt động trên các kênh Owned media 

Pharmacity không chỉ mở rộng các kênh bán hàng mà còn tối ưu hoạt động trên các kênh Owned Media. Trong tháng vừa qua, Fanpage của thương hiệu đã trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức nhiều minigame khác nhau, hợp tác với cuộc thi Mr.World và livestream cùng các bác sĩ. Trung bình mỗi ngày, Fanpage có từ 5-6 bài đăng, giúp duy trì sự tương tác liên tục với khách hàng.

Từ bỏ “mô hình nhà thuốc tiện lợi”, hướng tới mô hình đa dạng hơn 

Thay vì đâm đầu vào “mô hình nhà thuốc tiện lợi” gây tình trạng lỗ trong nhiều năm, Pharmacity đã quyết tâm từ bỏ mô hình này, tập trung gây dựng một mô hình mới đa dạng hơn. Cụ thể, với mô hình này, Pharmacity đã tăng cường các sản phẩm chủ lực là thuốc kê đơn trên các quầy hàng, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt.   

Ngoài ra, Pharmacity cũng có cách vận hành rất khác biệt so với các nhà thuốc khác. Họ thường “đóng cửa” bên ngoài các cửa hàng, trong khi đó, hầu hết các nhà thuốc khác lại mở cửa để khách hàng dễ dàng tiếp cận quầy thuốc. Pharmacity cũng chia sẻ rằng, việc “đóng cửa” này sẽ giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong phòng, giúp bảo quản thuốc tốt hơn và đạt chuẩn GPP trong ngành dược.

Đa dạng hóa danh mục sản phẩm cùng chiến lược giá mới

Nhận thấy điểm yếu về số lượng sản phẩm và giá cả cao so với các đối thủ trên thị trường, Pharmacity đã áp dụng những chiến lược mới nhằm cải thiện và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Theo CEO của Pharmacity, thương hiệu này sẽ cung cấp thuốc cho mọi nhóm bệnh với danh mục sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại hơn, đặc biệt là thuốc kê đơn. 

Bên cạnh đa dạng hóa các sản phẩm thuốc, Pharmacity cũng điều chỉnh chiến lược giá, định mức giá phù hợp với hơn 1000 mặt hàng thuốc cụ thể. Khác với mô hình của các nhà thuốc khác, Pharmacity sẽ không nhắm tới việc tạo lợi thế cạnh tranh bằng mức giá rẻ. Thay vào đó, thương hiệu sẽ cung cấp sản phẩm đa dạng với các mức giá khác nhau để đáp ứng khả năng tài chính của người tiêu dùng. Trong đó, các sản phẩm chính hãng sẽ được bán với mức giá tốt nhất.

Tạm kết

Pharmacity đã có màn trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn, cho thấy sự quyết tâm và khả năng phục hồi của mình. Dưới sự lãnh đạo của CEO mới, họ đã thực hiện nhiều thay đổi từ việc cải thiện danh mục sản phẩm, điều chỉnh giá cả đến cách tiếp cận khách hàng. Tuy còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của các chiến lược đó nhưng bước đầu, thương hiệu này đã khắc phục rất tốt những điểm yếu còn tồn đọng trong mô hình kinh doanh cũ, đồng thời thay đổi để phù hợp với thị trường Việt.

Nguồn: Marketing AI

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn