Xu hướng và triển vọng của xuất khẩu mỹ phẩm trong năm 2024
Việt Nam là điểm đến của nhiều thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, và Mỹ. Trong đó, các sản phẩm thiên nhiên, an toàn và không gây kích ứng đang được đông đảo chị em ưa chuộng. Vậy trong năm 2024, các thương hiệu mỹ phẩm cần phải làm gì để bắt kịp xu hướng thị trường mới.
Tổng quan sự phát triển của thị trường mỹ phẩm Việt Nam
Theo số liệu của Mintel năm 2022, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang có giá trị khoảng 2.3 tỷ USD, trong đó, số lượng cửa hàng cũng tăng lên 40%, từ con số 87 lên đến 124 cửa hàng. Phần lớn các cửa hàng này tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong năm 2024, thị trường mỹ phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ những thay đổi về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng:
Người dùng có thu nhập bình quân tăng:
Thu nhập người tiêu dùng tăng đã dẫn đến sự gia tăng chi tiêu cho mỹ phẩm. Với mức sống ngày càng cao, người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm làm đẹp để chăm sóc bản thân. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các phân khúc cao cấp và chuyên biệt trong ngành mỹ phẩm, đồng thời tạo cơ hội cho các thương hiệu mở rộng thị trường và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao hơn.
Từ số liệu trên biểu đồ, có thể thấy các sản phẩm tầm trung từ 300 - 500K được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Các dòng phân khúc cao cấp trên 2 triệu cũng thu hút những đối tượng có nguồn thu nhập cao (chiếm 16%).
Độ phủ sóng mạnh mẽ của các kênh truyền thông xã hội:
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã tạo ra những ảnh hưởng lớn với thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và Youtube trở thành các kênh quảng bá chính, giúp các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, Influencer marketing cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Những xu hướng mới này cũng tạo điều kiện cho các thương hiệu mỹ phẩm tích cực sáng tạo nội dung để thu hút và tiếp cận khách hàng.
Tần suất trang điểm và skincare của người tiêu dùng tăng:
Khoảng 64% số người được khảo sát trả lời rằng họ có thói quen skincare hàng ngày, và chỉ có 2% không thực hiện. Số lượng người tiêu dùng có xu hướng trang điểm cũng đạt mức độ trung bình, hầu như là vài lần/ tuần hoặc ít hơn một lần/ tuần. Đặc biệt, họ cũng quan tâm đến vấn đề sức khỏe và ưa chuộng những sản phẩm lành tính, có thành phần thiên nhiên nhiều hơn.
Tiềm năng phát triển của thị trường mỹ phẩm năm 2024
Doanh thu của ngành tăng
Theo số liệu thống kê từ Metric, tổng doanh thu ngành mỹ phẩm năm 2023 đạt 37.700 tỷ đồng với tổng 341 triệu sản phẩm, tăng hơn 50% so với năm 2022. Với xu hướng tăng trưởng mạnh như hiện nay, doanh thu của ngành dự đoán sẽ đạt khoảng 3.5 tỷ USD vào năm 2026 và tiếp tục phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Các mặt hàng mỹ phẩm xuất khẩu đa dạng, phong phú
Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN về giá trị xuất khẩu mỹ phẩm và đứng đầu về nhập siêu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da, tóc, sản phẩm vệ sinh cá nhân. Trong đó có một số sản phẩm thuộc phân khúc thị trường cao cấp như đồ dùng trang điểm (chiếm 3%) và nước hoa (chiếm 2%).
Ngành mỹ phẩm có lợi thế xuất khẩu nào trong bối cảnh thị trường mới?
Các sản phẩm hữu cơ được ưa chuộng hơn trên thị trường quốc tế
Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không gây hại cho môi trường. Nắm bắt được xu thế đó, Việt Nam đã nghiên cứu và xuất khẩu các mặt hàng mỹ phẩm hữu cơ sang thị trường quốc tế để tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn.
Các nguyên liệu đặc trưng hay được tận dụng nhiều nhất là dầu dừa, hoa hồng, sáp ong. Những sản phẩm này đều được sản xuất và kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo về chất lượng và an toàn cho người sử dụng.
Nguồn nguyên dược liệu đa dạng và có tiềm năng phát triển
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng. Theo TS. Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, có tới hơn 5,000 trong số 12,000 loài thực vật tại Việt Nam có thể ứng dụng trong dược phẩm. Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng phát triển dược phẩm như một ngành kinh tế, xuất khẩu những nguyên liệu như quế, nghệ, thảo quả,...
Hiện tại ở Việt Nam đã có hơn 30 cơ sở sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn CGMP-ASEAN (Tiêu chuẩn thực hành tốt mỹ phẩm). Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn chưa xứng đáng và chưa phản ánh đúng tiềm năng của ngành.
Tạm kết
Năm 2024 hứa hẹn là cột mốc quan trọng trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp, khi các doanh nghiệp không chỉ cần thích ứng với xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng mà còn phải đổi mới liên tục để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Các thương hiệu cần biết cách kết hợp sáng tạo công nghệ và nghiên cứu kỹ thị trường để tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Thảo Vũ - Pharmarketing
Nguồn: Innovative Hub Việt Nam
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn