backtop

Nghiên cứu thị trường là gì? 5 phương pháp Market Research phổ biến nhất hiện nay

Nghiên cứu thị trường từ lâu đã là công cụ không thể thiếu trong các chiến lược tồn tại và phát triển của hầu hết mọi doanh nghiệp. Vậy chính xác nghiên cứu thị trường là gì? Doanh nghiệp cần thực hiện nghiên cứu thị trường như thế nào cho hiệu quả? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết sau của PharMarketing, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Nghiên cứu thị trường (Market Research) là gì? 

Nghiên cứu thị trường là toàn bộ quá trình thu thập, xử lý dữ liệu về thị trường, từ đó đưa ra các phân tích về tình hình hiện tại mà doanh nghiệp quan tâm. Những thông tin này bao gồm đặc điểm của khách hàng, thị trường mục tiêu và đối thủ cũng như tình hình toàn ngành hiện nay. 

Nghiên cứu thị trường (Market Research) là gì? 
Nghiên cứu thị trường (Market Research) là gì? 

 

Market Research được doanh nghiệp sử dụng khi cần đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kinh doanh. Từ những số liệu nghiên cứu này, doanh nghiệp có thể xây dựng những chiến lược sáng suốt, hiệu quả hơn, tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro trong thương trường kinh doanh.

Vì sao nghiên cứu thị trường lại quan trọng?

Xác định cơ hội đáp ứng một nhóm nhu cầu của thị trường

Nhu cầu của thị trường là mối quan tâm lớn nhất của bất kỳ chiến lược truyền thông nào. Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp tiên đoán trước được sản phẩm hay các chiến dịch marketing có chạm được đến được nhu cầu của khách hàng hay không?

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp nên bắt tay thực hiện những hoạt động khảo sát, phỏng vấn khách hàng, lắng nghe những chia sẻ của họ hay thậm chí tạo mẫu sản phẩm thử để gửi đến người tiêu dùng xem sản phẩm này nhận được phản hồi như thế nào?

Ước tính dung lượng thị trường, có bao nhiêu người có nhu cầu chưa được đáp ứng?

Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp tìm ra tỉ lệ người dùng có nhu cầu nhưng chưa được đáp ứng. Những người này chính là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp và họ tạo ra thị trường mà doanh nghiệp mong muốn. Tuy nhiên chỉ xác định được thị trường thôi là chưa đủ, mà chúng ta còn cần biết được dung tích thị trường đó, phân tích được thị trường có lớn hay nhỏ. Từ đó doanh nghiệp đưa ra những quyết định phù hợp về đầu tư tài chính, nguồn lực để “đánh chiếm” thị trường này. 

Xác định được phương án tốt nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường mục tiêu

Khi đã biết được thị trường mục tiêu và nhu cầu của họ, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm đó chính là tìm ra phương án để đáp ứng nhu cầu cho thị trường mục tiêu này.

Market Research sẽ giúp doanh nghiệp phân tích khách hàng theo sở thích, tìm hiểu những nhu cầu chưa được đáp ứng và tìm ra hướng giải quyết kịp thời. Đồng thời, khi thực hiện các cuộc khảo sát này, bạn cũng sẽ nhận được những phản hồi thật nhất từ phía khách hàng mục tiêu của bạn. Từ đó đảm bảo cho những phương án đưa ra có khả năng thực thi và đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là bước vô cùng quan trọng trong Market Research. Ta có thể tìm được điểm mạnh, điểm yếu, chiến lược,.. của đối thủ khi khảo sát những hành vi, nhận xét,… của khách hàng, hoặc qua các kênh thông tin truyền thông như: Website, mạng xã hội,... Từ những đặc điểm của đối thủ, doanh nghiệp sẽ đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp để đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trong thị trường ngành hiện nay.

Xác định được lợi thế cạnh tranh của bạn

Việc phân tích thị trường giúp ta nhìn thấy lợi thế cạnh tranh của chính mình. Lấy một ví dụ cụ thể về nghiên cứu thị trường của các đơn vị thuốc trị ho dược liệu. Khi khảo sát thị trường, doanh nghiệp phát hiện ra khách hàng lo ngại dùng kháng sinh sẽ gặp tác dụng phụ gây ảnh hưởng sức khoẻ. Họ cảm thấy an toàn hơn nếu thuốc này có nguồn gốc từ thiên nhiên, dược liệu. 

Từ đây, các doanh nghiệp dược liệu đánh mạnh vào yếu tố này nhắm tới tâm lý của khách hàng - đây chính là lợi thế cạnh tranh của mỗi đơn vị. Những chiến dịch Marketing được xây dựng bám sát vào lợi thế cạnh tranh này để phát triển. 

Kết luận liệu sản phẩm có đáp ứng nhu cầu khách hàng hiệu quả?

Nghiên cứu thị trường không những thực hiện trước khi sản phẩm hay chiến dịch truyền thông được tung ra mà còn sử dụng sau quá trình mua hàng. 

Để phục vụ và kiểm soát dịch vụ tốt hơn, hiện nay doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường trước - trong - sau bán hàng. Từ đó các đơn vị kinh doanh có thể biết được tỉ lệ khách hàng hài lòng hay chưa hài lòng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng đến đâu? Đây là căn cứ quan trọng để đưa ra những cải tiến, thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Đánh giá hiệu quả chiến lược quảng cáo và khuyến mại của bạn

Trong Marketing nói chung và đặc biệt là quảng cáo khuyến mãi nói riêng, những đánh giá từ việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định được mức độ hiệu quả của chiến lược này ra sao? Khách hàng đã nhận diện thương hiệu như thế nào? Chiến dịch này có tạo ra đột phá về doanh thu hay không?... Đây là những đánh giá vô cùng quan trọng để doanh nghiệp rút ra được kinh nghiệm, lựa chọn phát triển chiến lược marketing tiếp theo.

Những phương pháp nghiên cứu thị trường thông dụng

Dưới đây là 5 phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến nhất hiện nay được nhiều doanh nghiệp thường xuyên sử dụng:

Phương pháp nghiên cứu thị trường
Phương pháp nghiên cứu thị trường

Surveys (Phương pháp điều tra và khảo sát)

Sử dụng bảng khảo sát là phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến nhất hiện nay. Doanh nghiệp chuẩn bị danh sách câu hỏi xúc tích, ngắn gọn phù hợp với mục đích khảo sát. Những dữ liệu này giúp các đơn vị kinh doanh phân tích đặc điểm, hành vi khách hàng. Ngoài ra phương pháp này còn có lợi thế là tiếp cận đến được nhiều khách hàng, tạo ra một mẫu lớn.

In-person surveys (Khảo sát trực tiếp)

In-person surveys là cuộc khảo sát thường được thực hiện ở nơi công cộng, điển hình như trung tâm thương mại, công viên.... Phương pháp này có chi phí cao, thời gian thực hiện dài và chỉ tiếp cận được một nhóm khách hàng nhất định. 

Tuy nhiên phương pháp này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng vì thu được phản hồi của khách hàng ngay lập tức và mang sản phẩm tới khách hàng gần nhất. Với tỉ lệ phản hồi lên đến 90% và doanh nghiệp cũng có thể khai thác được những phản hồi sâu và chính xác hơn.

Email surveys (Khảo sát qua thư điện tử)

Đây là phương pháp nghiên cứu giúp doanh nghiệp tiếp cận được với lượng lớn khách hàng. Chỉ với một cú click chuột, bạn có thể gửi bản khảo sát đến hàng ngàn khách hàng. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của phương pháp này tỉ lệ phản hồi lại chỉ rơi vào 3 - 15%. Sau cùng, đây vẫn là hình thức nghiên cứu được nhiều đơn vị sử dụng vì chi phí thực hiện thấp nhưng mang tới chất lượng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Telephone surveys (Khảo sát qua điện thoại)

Khảo sát qua điện thoại thường tốn ít chi phí hơn khảo sát trực tiếp, hay khảo sát qua mail. Hình thức này mang lại sự tiện lợi cao cho doanh nghiệp khi có thể kết nối trò chuyện trực tiếp với khách hàng qua số điện thoại. 

Tuy nhiên do đặc điểm tiếp cận khách hàng từ xa, nên việc thuyết phục mọi người tham gia vào một cuộc phỏng vấn qua điện thoại là điều không dễ dàng. Nhiều khách hàng còn cảm thấy ức chế, khó chịu khi nhận được những cuộc gọi này. Tỷ lệ phản hồi của dạng khảo sát này chỉ ở mức khoảng 50 - 60%.

Online surveys (Khảo sát trực tuyến)

Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém nhất trong 5 hình thức được đề cập trên đây. Tuy nhiên mức độ tin cậy lại thấp so với các khảo sát còn lại. Kết quả nhận thường khó dự đoán, chủ yếu thu được những bằng chứng, ý kiến và sự ưa chuộng của khách hàng.

Các bước cơ bản cần làm khi bắt đầu nghiên cứu thị trường

Bước 1: Xác định mục tiêu và các vấn đề cần nghiên cứu

Trong nghiên cứu thị trường, việc xác định mục tiêu và vấn đề của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để thực hiện chiến dịch nghiên cứu thành công. Một chiến dịch market research có thể có một hoặc nhiều mục tiêu. Những mục tiêu được đề ra này phải giải quyết được những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. 

Các bước cơ bản cần làm khi bắt đầu nghiên cứu thị trường
Các bước cơ bản cần làm khi bắt đầu nghiên cứu thị trường

Việc xác định mục tiêu giúp doanh nghiệp thu được kết quả và tạo ra những phân tích để đưa ra quyết định kinh doanh, tránh sự lan man không cần thiết. 

Bước 2: Chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp

Sau khi đã xác định được mục tiêu và vấn đề, tiếp theo doanh nghiệp cần chọn ra phương pháp nghiên cứu thích hợp với những mục tiêu đó. Ở giai đoạn này các đơn vị cần lựa chọn kỹ lưỡng các yếu tố về nguồn lực, đặc điểm sản phẩm, dung tích thị trường, mục tiêu khảo sát … để tìm cho mình những phương pháp phù hợp.

Các phương pháp nghiên cứu phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng  như khảo sát, phỏng vấn nhóm, phỏng vấn sâu,… Mỗi phương pháp sẽ có những phương thức thực hiện cùng những ưu nhược điểm khác nhau. Ví dụ như phương pháp khảo sát thì có khảo sát trực tiếp, khảo sát qua điện thoại,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xác định địa điểm tiếp cận khách hàng, lựa chọn phân khúc khách hàng nào, làm sao để thu hút được họ …

Bước 3: Thiết kế và xây dựng bảng câu hỏi nghiên cứu thị trường

Ở bước tiếp theo này, bạn cần thiết kế cho mình bảng hỏi - một trong những công cụ nghiên cứu thị trường không thể thiếu hiện nay. Bảng hỏi được hiểu là một tập hợp bao gồm nhiều câu hỏi giúp doanh nghiệp khai thác những thông tin từ phía khách hàng. Chính vì vậy, để có một chiến dịch nghiên cứu thành công, cần xây dựng bảng câu hỏi logic, có tính liên kết, nhắm chính xác mục tiêu, tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng. 

Bước 4: Thu thập thông tin

Đây là bước quyết định đến kết quả của bài khảo sát. Các chuyên viên phân tích thị trường sẽ tiến hành thu thập số liệu một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp khai thác tối đa được thông tin khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phân tích tiếp theo.

Bước 5: Tổng hợp và phân tích dữ liệu thu thập được

Từ những thông tin thu thập được, doanh nghiệp sẽ tổng hợp lại thành bản dữ liệu hoàn chỉnh. Để có được kết quả phân tích chính xác nhất, bạn có thể sử dụng các phần mềm chuyên xử lý, phân tích số liệu như Excel, SPSS, Minitab… Những phần mềm này sẽ giúp bạn thống kê dữ liệu một cách khoa học và hỗ trợ tìm được đặc điểm, hành vi, thái độ, xu hướng, … của khách hàng và phác họa được kết quả của mục tiêu.

Bước 6: Đánh giá thực trạng thị trường, năng lực hiện tại và xác định xu hướng

Đây là bước cuối cùng trong quá trình nghiên cứu thị trường. Sau khi có được những phân tích số liệu, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận được thực trạng của thị trường hiện nay. Ví dụ như thực trạng về sự hài lòng của sản phẩm, nhu cầu của khách hàng về một dịch vụ nào đó, …

Công đoạn này cũng giúp bạn đánh giá được năng lực hiện tại với những câu hỏi về trải nghiệm, về cảm nhận, về suy nghĩ, về mức độ nhận diện của khách hàng đối với sản phẩm hay với toàn doanh nghiệp. Dù với cả những bài nghiên cứu không thiên về sản phẩm mà thiên về tìm hiểu hành vi khách hàng, thì doanh nghiệp vẫn đánh giá được năng lực hiện tại nhờ việc soi chiếu từ hành vi khách hàng và đặc điểm sản phẩm.

Kết luận

Nghiên cứu thị trường (Market Research) là một hoạt động quan trọng với mọi giai đoạn trong quá trình phát triển kinh doanh của một doanh nghiệp. Với bài viết trên, PharMarketing đã mang đến cho bạn những nội dung quan trọng nhất trong nghiên cứu thị trường. Chúc bạn có được những chiến lược phát triển thành công nhất. Hẹn gặp lại trong những nội dung tiếp theo!

 

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn