backtop

C2C là gì? Lợi ích của mô hình C2C trong kinh doanh

Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử: Amazon, Shopee, Lazada… Tại đây, những người dùng cá nhân có thể tiến hành mua và bán hàng hóa đến những người tiêu dùng khác một cách dễ dàng. Hoạt động mua - bán này chính là một ví dụ điển hình của mô hình C2C (Consumer To Consumer). Vậy mô hình C2C là gì? Trong bài viết dưới đây, PharMarketing sẽ giúp bạn hiểu thật rõ về C2C cũng như tiềm năng phát triển của mô hình này.

Mô hình C2C là gì?

C2C là viết tắt của Consumer To Consumer (tạm dịch là: người tiêu dùng tới người tiêu dùng). Đây là một mô hình kinh doanh đặc biệt, cho phép người tiêu dùng có thể giao dịch với nhau thay vì doanh nghiệp. 

C2C là mô hình giao dịch giữa cá nhân người tiêu dùng với nhau
C2C là mô hình giao dịch giữa cá nhân người tiêu dùng với nhau

Thông thường các giao dịch này sẽ được thực hiện trên môi trường trực tuyến với sự giúp đỡ của một bên thứ ba sàn thương mại điện tử, website trung gian đấu giá, bên cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc giao hàng. Cụ thể như sau:

  • Đấu giá: Hoạt động này cho phép người mua đấu giá sản phẩm mà họ muốn dựa trên mức giá sàn của người bán đã đặt ra. Ai trả giá cao nhất sẽ được quyền sở hữu sản phẩm. eBay - trang đấu giá toàn cầu là một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động này.
  • Giao dịch trao đổi: Là hoạt động trao đổi sản phẩm có giá trị tương đương giữa người tiêu dùng với nhau. 
  • Dịch vụ hỗ trợ: Các dịch vụ hỗ trợ như: thanh toán, vận chuyển, đánh giá sản phẩm… ra đời nhằm đảm bảo vấn đề về chất lượng sản phẩm và độ uy tín của người bán trong quá trình mua sắm. Ví dụ: Paypal - nền tảng hỗ trợ thanh toán quốc tế trực tuyến.

Phân biệt C2C và B2C

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa mô hình C2C và B2C chính là đặc điểm cốt lõi của hai mô hình này. Nếu như C2C là mô hình giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng thì B2C (Business To Consumer) là mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, người bán sẽ là doanh nghiệp còn người mua là các cá nhân. 

Sự khác nhau giữa mô hình C2C và B2C là đặc điểm của chúng
Sự khác nhau giữa mô hình C2C và B2C là đặc điểm của chúng

Còn mô hình C2C là quá trình mua bán, trao đổi giữa cá nhân với cá nhân mà không có sự tham gia của doanh nghiệp. Chính sự khác biệt này, đã tạo ra “đối lập” giữa 2 mô hình, điển hình là sự đa dạng về sản phẩm, cách thức mua hàng và phương thức thanh toán. 

Lợi ích mô hình C2C

Mô hình C2C là cầu nối giữa giữa người bán và người mua, với những lợi ích điển hình có thể kể đến như:

Dễ dàng bán hàng

Nếu bạn muốn kinh doanh nhưng chưa có nhiều kinh phí để thuê cửa hàng thì hoàn toàn có thể bán sản phẩm online. Với sự hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử, việc thiết lập tài khoản, đăng thông tin sản phẩm, trao đổi với khách hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, bạn cũng có thể bán những món đồ mà mình không có nhu cầu sử dụng với mô hình C2C mà không bị giới hạn về số lượng, chủng loại.

Tăng khả năng kết nối giữa người mua và người bán

Hiện nay, các nền tảng hoạt động theo mô hình C2C xuất hiện ngày càng phổ biến, điển hình là Marketplace trên Facebook, TikTok Shop... Người bán có thể tiếp cận được đông đảo khách hàng mà không cần lo lắng về vấn đề tìm kiếm mặt bằng hay vận chuyển. Còn người mua cũng có thể tự do lựa chọn những sản phẩm phù hợp với sở thích, phong cách và khả năng chi trả của mình.

Mô hình C2C giúp tăng khả năng kết nối giữa người bán và người mua
Mô hình C2C giúp tăng khả năng kết nối giữa người bán và người mua

Tối ưu chi phí

Mô hình C2C giúp cho giá bán của các sản phẩm không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhà sản xuất, đơn vị phân phối... Ngoài ra, người mua và người bán sẽ được kết nối trực tiếp với nhau. Nhờ vậy mà người bán không phải chiết khấu doanh thu cho bên thứ 3 và người mua cũng được hưởng lợi vì mua được sản phẩm mình muốn với mức giá tối ưu hơn.

Hạn chế của mô hình C2C

Với nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày một tăng cao, kinh doanh theo mô hình C2C sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì mô hình này cũng tồn tại những hạn chế nhất định như:

Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm

Bản chất của mô hình C2C là sự trao đổi giữa cá nhân với cá nhân, diễn ra trong môi trường trực tuyến và không có sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có một đơn vị nào kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm. Do đó, quyền lợi của người tiêu dùng có thể không được đảm bảo trong quá trình mua sắm, dẫn đến tình trạng sản phẩm nhận được khác với hình ảnh được đăng tải.

Vấn đề bảo mật thông tin

Mua sắm online là một hình thức vô cùng tiện lợi nhưng cũng khiến người tiêu dùng lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin. Trong quá trình cung cấp thông tin liên hệ và địa chỉ cho bên hỗ trợ thanh toán hoặc vận chuyển, cả người mua và người bán đều có thể gặp phải nguy cơ lộ thông tin cá nhân. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như lừa đảo.

Bảo mật thông tin là một hạn chế của mô hình C2C
Bảo mật thông tin là một hạn chế của mô hình C2C

Dễ bị “boom hàng”

"Boom hàng" hay không nhận hàng là một vấn đề khá nhức nhối khi kinh doanh online. Tình trạng này xảy ra khi người bán cho phép người mua thanh toán khi nhận hàng (ship COD). Vì không có bên thứ 3 đảm bảo nên nếu khách hàng lựa chọn trả tiền sau thì người mua hoàn toàn có thể bị "boom hàng" dẫn đến mất hàng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ví dụ mô hình C2C hiện nay

Là một trong những sản thương mại điện tử có số lượng người dùng đông đảo nhất tại Việt Nam, Shopee là một ví dụ điển hình của mô hình C2C hiệu quả hiện nay. Shopee có mặt tại Việt Nam vào năm 2016 với mô hình ban đầu là C2C Marketplace (quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau). Sàn thương mại điện tử này định hướng phát triển chủ yếu trên thiết bị di động, hoạt động như một mạng xã hội phục vụ nhu cầu mua và bán của người dùng mọi lúc, mọi nơi. 

Không chỉ có nhiều chính sách hỗ trợ người bán, số lượng sản phẩm đa dạng cả trong và ngoài nước mà Shopee còn liên kết với các đối tác hỗ trợ giao hàng (Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng Nhanh, Best Express…), thanh toán (thẻ visa, Momo…). Điều này giúp quá trình mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn bao giờ hết. Mặt khác, Shopee còn cho phép hiển thị số lượt bán của mỗi sản phẩm, số lượng sản phẩm còn lại, ý kiến đánh giá của người tiêu dùng… để giúp người mua thuận tiện trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Shopee - Ví dụ nổi bật của mô hình C2C
Shopee - Ví dụ nổi bật của mô hình C2C

Ngoài ra, Shopee cũng bắt đầu mở rộng sang hình thức B2C với các gian hàng chính hãng Shopee Mall. Tại đây, các sản phẩm đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Shopee Express (hỗ trợ vận chuyển, giao hàng) và Shopee Pay (thanh toán online ngay khi đặt hàng) cũng tối ưu quy trình mua sắm cho người mua và hạn chế tình trạng “boom hàng” đối với người bán. Với slogan “Mua hết ở Shopee” cùng nhiều chương trình flash sale hàng tháng, đa dạng sản phẩm và giá thành, Shopee đang dần trở thành nơi mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.  

Kết luận

Hiện nay C2C được biết đến là một trong những mô hình kinh doanh thương mại hiệu quả với tiềm năng phát triển lớn và đang ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, qua bài viết này PharMarketing mong muốn rằng bạn có thể áp dụng những kiến thức được chia sẻ ở trên để vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình thật hiệu quả. Đừng quên ghé thăm website của chúng mình để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích khác về marketing nhé!

 

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn