backtop

Bandwagon là gì? Cách ứng dụng Bandwagon trong marketing để đạt hiệu quả tốt nhất

Bandwagon được biết đến như một hiệu ứng tâm lý dùng để chỉ hành vi bắt chước người khác một cách vô thức và thường được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực: thời trang, âm nhạc, F&B, social media… Vậy bạn có biết Bandwagon là gì không? Hiệu ứng này được ứng dụng như thế nào trong marketing? Tất cả sẽ được PharMarketing giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây! Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bandwagon là gì

Thuật ngữ Bandwagon là hiệu ứng tâm lý dùng để chỉ hành động con người thực hiện một điều gì đó theo đám đông, dù cho điều đó có thể trái ngược với niềm tin ban đầu của họ. Hiểu một cách đơn giản hơn thì Bandwagon là hành động bắt chước một cách vô thức. 

Bandwagon hay còn được gọi là hiệu ứng đám đông
Bandwagon hay còn được gọi là hiệu ứng đám đông

Bandwagon được hình thành từ các yếu tố tâm lý, xã hội, kinh tế và là hiệu ứng hướng con người tiếp nhận một xu hướng, hành vi, phong cách hoặc thái độ nào đó chỉ vì phần lớn mọi người đang làm theo điều đó. Ngoài ra, Bandwagon còn có tên gọi khác là hiệu ứng đoàn tàu hay hiệu ứng số đông.

Bandwagon ra đời trong hoàn cảnh nào?

Thuật ngữ Bandwagon xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1848 khi đoàn xe chở ban nhạc của nghệ sĩ giải trí Dan Rice đi khắp thế giới để vận động bầu cử cho Tổng thống Zachary Taylor.

Theo đó, Dan Rice đã khuyến khích mọi người “nhảy lên tàu” để ủng hộ cho Taylor. Và khi có càng nhiều người ngồi trên tàu thì những người khác mặc dù không biết chuyện gì đang diễn ra cũng bắt đầu làm theo. Khi chiến dịch kết thúc, Taylor đã thành công đắc cử vị trí tổng thống. Sau đó, rất nhiều chính trị gia khác cũng làm theo cách này trong các chiến dịch tranh cử của họ.

Thuật ngữ Bandwagon xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1848
Thuật ngữ Bandwagon xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1848

Đến những năm đầu thế kỷ 20, hình ảnh các đoàn tàu được sử dụng phổ biến trong các chiến dịch vận động chính trị. Cụm từ “nhảy lên đoàn tàu” (jump on the bandwagon) đã nhanh chóng trở thành một trong những từ ngữ dùng để mô tả hiện tượng khi một người muốn trở thành một phần của đám đông, kể cả khi điều đó có thể đi ngược lại với những nguyên tắc hoặc niềm tin ban đầu của họ. 

Ứng dụng của Bandwagon 

Bandwagon được ứng dụng khá nhiều trong các lĩnh vực của cuộc sống, cụ thể như:

  • Mua hàng tiêu dùng: Nếu mua hàng lần đầu, khách hàng thường sẽ có xu hướng chọn những sản phẩm còn rất ít trên kệ hàng. Trong trường hợp này, khách hàng đã bị thuyết phục mua hàng bởi những người mua sắm trước đó. 
  • Thời trang: Nhiều người bị ảnh hưởng bởi văn hóa đại chúng và những người nổi tiếng. Điều này có nghĩa là họ sẽ định hình phong cách thời trang của mình dựa theo các thần tượng mà họ yêu mến. 
  • Âm nhạc: Khi một người nghệ sĩ mới ra mắt, sự nổi tiếng của họ sẽ tăng vọt nếu có càng nhiều người nghe bài hát của họ và chia sẻ bài hát đó đến bạn bè, người thân trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Social media: Khi các nền tảng mới xuất hiện, hiệu ứng Bandwagon sẽ giúp nền tảng đạt được mục tiêu về số lượng người sử dụng. Tik Tok là một ví dụ điển hình khi số lượng người dùng ngày càng tăng và được chia sẻ rộng rãi thì các cá nhân khác cũng bắt đầu sử dụng nó.
  • Chính trị: Hiệu ứng đám đông Bandwagon có thể khiến công dân bỏ phiếu cho ứng cử viên được nhiều người ủng hộ hơn hoặc được cho là có khả năng “chiến thắng”.
  • Đầu tư, tài chính: Các thị trường đầu tư và tài chính thường dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của hiệu ứng đám đông Bandwagon. 
Hiệu ứng đám đông được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Hiệu ứng đám đông được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Bandwagon được áp dụng như thế nào trong marketing

Hiệu ứng Bandwagon được ứng dụng trong các hoạt động marketing nhằm mục đích đạt được các mục tiêu về doanh thu cũng như tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Cụ thể:

Sử dụng chiến thuật khan hiếm

Một chiến thuật quan trọng của hiệu ứng đám đông là sử dụng sự khan hiếm. Để sử dụng chiến thuật này thành công, bạn cần nỗ lực xây dựng nhận thức thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, hạn chế các mặt hàng có sẵn trong cửa hàng để tạo hiệu ứng sản phẩm là sự lựa chọn của đông đảo khách hàng nhằm khuyến khích hành vi mua sắm. Sự khan hiếm không chỉ khiến khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng mà còn khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.

Xây dựng sự uy tín

Đây là chiến thuật phổ biến được áp dụng khi doanh nghiệp muốn tạo độ phủ thương hiệu. Càng nhiều người nhắc đến thương hiệu và để lại những phản hồi tích cực thì doanh nghiệp càng trở nên uy tín hơn trong mắt các khách hàng mới. Hiện nay, xây dựng sự uy tín đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kinh doanh trực tuyến. Khi người tiêu dùng không có nhiều cơ hội đến cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm thì những phản hồi, đánh giá của khách hàng cũ chính là minh chứng rõ ràng khẳng định giá trị thương hiệu.

Hiệu ứng đám đông giúp thương hiệu uy tín hơn trong mắt khách hàng
Hiệu ứng đám đông giúp thương hiệu uy tín hơn trong mắt khách hàng

Thống trị mạng xã hội

Cung cấp cho người người tiêu dùng lý do để mua hàng bằng cách tạo các cuộc thảo luận về thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội. Càng có nhiều người nhắc đến thương hiệu, đặc biệt là các influencer hoặc KOL nổi tiếng thì hiệu ứng Bandwagon càng hiệu quả. Vì vậy, đã xuất hiện thêm các hình thức tiếp thị mới như: seeding, affiliate marketing (tiếp thị liên kết)... giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên hơn.

Mặt lợi và hại của Bandwagon

Hiệu ứng Bandwagon đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong trường hợp sở thích tiêu dùng và các quyết định mua hàng của người tiêu dùng tương tự với số đông và họ có những thông tin chính xác về chất lượng của sản phẩm định mua. Lúc này, hiệu ứng đám đông sẽ hoạt động tốt khi tạo động lực để khách hàng tin tưởng vào quyết định mua hàng.

Ngoài ra, xét theo góc độ kinh tế, Bandwagon giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí quảng cáo bằng cách tận dụng phản hồi của khách hàng cũ để khuyến khích khách hàng mới thực hiện hành động mua hàng.

Hiệu ứng Bandwagon cũng có những mặt lợi và hại nhất định
Hiệu ứng Bandwagon cũng có những mặt lợi và hại nhất định

Ví dụ: Trên các sàn thương mại điện tử sẽ hiển thị lượt mua của các sản phẩm. Đồng thời cho phép khách hàng đánh giá trải nghiệm mua hàng của mình (từ 1* đến 5*), kèm theo hình ảnh và nhận xét của họ. Những đánh giá này sẽ là thông tin tham khảo quý giá cho các khách hàng mới khi họ có nhu cầu về sản phẩm.

Bên cạnh những lợi ích tích cực thi hiệu ứng đám đông Bandwagon cũng tồn tại một số mặt hạn chế nhất định như: khó kiểm soát, khi thương hiệu được đề cập quá nhiều trong cùng một thời điểm thì khách hàng có thể đặt ra sự nghi ngờ về tính khách quan, một khi doanh nghiệp gặp phải khủng hoảng truyền thông thì hiệu ứng đám đông có thể khiến thương hiệu bị tẩy chay… Đồng thời, không có cách tiếp cận chung nào sẽ phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, trong quá trình sử dụng hiệu ứng đám đông nếu bạn không xem xét đến các chuẩn mực xã hội thì có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định.  

Ví dụ về ứng dụng Bandwagon

Gần đây, Highlands Coffee là một case study điển hình cho việc tận dụng thành công hiệu ứng Bandwagon và đã thu được một lượng traffic tự nhiên khổng lồ nhờ vào sự hợp tác giữa Momo và Starbuck. Ngày 06/09/2022 fanpage của Momo và Starbuck đồng thời đăng tải duy nhất icon trái tim đỏ và xanh (màu đặc trưng của 2 thương hiệu) mà không kèm theo bất kỳ caption nào. Điều này, đánh mạnh vào sự tò mò của người dùng Momo và Starbuck khi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. 

2 bài post trên fanpage của Highlands Coffee nhận được lượt traffic lớn
2 bài post trên fanpage của Highlands Coffee nhận được lượt traffic lớn

Ngay sau đó, Highlands Coffee đã đăng tải hình ảnh trái tim tan vỡ với hàm ý thể hiện sự mất niềm tin vào tình yêu của Momo dành cho Highlands. Trước đây, trong ngành đồ uống tại thị trường Việt Nam thì chỉ có Highlands Coffee cho phép khách hàng thanh toán bằng Momo tại quầy. Hành động này đã đánh mạnh vào tâm lý của người dùng mạng xã hội đặc biệt là gen Z. Ngoài ra, tại thời điểm đó trên mạng xã hội đang nổi bật các tin tức về về trà xanh, cắm sừng và ngoại tình. Mọi người rất thích thú vì hành động dễ thương này và đồng cảm sâu sắc với Highlands Coffee nên fanpage đã thu được một lượng traffic tự nhiên cực kì lớn.

Sau khi fanpage Momo và Starbuck đồng loạt đăng tải thông tin công khai sự hợp tác giữa 2 bên. Highlands Coffee đã nhanh chóng bắt trend giảm giá đồ uống Trà sen vàng và Freeze trà xanh và nhấn mạnh chữ Trà & Xanh. Điều này đã giúp Highlands Coffee nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng người dùng mạng xã hội. Bên cạnh đó, các fanpage có tích xanh khác đồng loạt để lại những bình luận an ủi dưới bài post của Highlands Coffee càng làm tăng lượt nhắc đến thương hiệu. Kết quả: bài post với icon trái tim tan vỡ của Highlands Coffee đã thu được 134.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 60.000 lượt bình luận và 15.000 lượt chia sẻ. 

Kết luận

Hy vọng, với những thông tin mà PharMarketing đã chia sẻ trong bài viết này, bạn đã hiểu Bandwagon là gì và ứng dụng hiệu ứng thú vị này vào trong các hoạt động marketing để thu được những kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp.

 

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn