backtop

Ngành dược Việt Nam: Những cơ hội và thách thức trong năm 2024

11:15- 15/02/2024

Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, về dài hạn, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” với tiềm năng thị trường cao. 

Trong năm 2023, ngành dược phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ phát triển của nền kinh tế chậm lại và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các xung đột trên thế giới. Tuy vậy, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng doanh nghiệp, ngành dược cũng như toàn bộ nền kinh tế vào năm 2024.

Dự đoán triển vọng năm 2024 ngành dược

Đánh giá triển vọng của ngành dược phẩm năm 2024, theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, về dài hạn, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng thị trường cao. 

Quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện

Một trong những nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường dược Việt Nam đến từ quy mô dân số lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 khi có hơn 20% dân số trên 60 tuổi. Con số này dự tính sẽ tăng lên khoảng 25% vào năm 2049. Bên cạnh đó, mặc dù người Việt Nam vẫn tiêu thụ ít dược phẩm hơn so với các nước khác, nhưng thu nhập và ý thức chăm sóc sức khỏe đang ngày càng tốt hơn, đặc biệt sau đại dịch Covid 19. Điều này góp phần khiến mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế tăng lên, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển của ngành dược. 

Cơ hội các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết

Ngành dược sẽ có nhiều động lực để phát triển trong tương lai nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam tham gia. Nhờ FTA, các doanh nghiệp dược có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP. 

Các doanh nghiệp dược cũng có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định như EVFTA để tiếp cận các thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Ngoài ra, các FTA còn thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành dược Việt Nam hợp tác với các đối tác quốc tế để cải thiện chất lượng sản phẩm, cũng như tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. 

Các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành

Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách và cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp dược trong những năm qua. Ví dụ là mới đây Quyết định số 1165/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành về chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, được xem là hướng dẫn cho sự phát triển của ngành dược và các doanh nghiệp trong ngành. Mục tiêu của chiến lược là tăng cường tính tự chủ, làm chủ công nghệ và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Ngoài ra, sự phát triển của ngành dược còn phụ thuộc vào sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong các ngành trong việc nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, bắt kịp xu hướng mới. Các doanh nghiệp trong ngành cũng không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng sản phẩm, ứng dụng nhiều hơn dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, vận hành sản xuất, tiếp thị, cũng như liên kết với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để tăng quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ. Yếu tố này sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển của ngành dược trong những năm tới. 

Chiến lược quốc gia Phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn năm 2030 và tầm nhìn năm 2045

Bảo đảm người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý

Mục tiêu chung là phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước phát triển trong khu vực, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc với mức giá hợp lý. Nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất thuốc biệt dược gốc, hiện đại, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất cho khu vực ASEAN. 

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu 100% thuốc sẽ được cung ứng chủ động, đảm bảo an ninh thuốc và đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, cũng như các yêu cầu khẩn cấp về thuốc. Sản xuất trong nước đặt mục tiêu đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, đạt mục sản xuất nguyên liệu cho 20% nhu cầu nội địa và đạt 100% nhu cầu vaccine trong nước.

Trở thành trung tâm sản xuất dược có giá trị cao trong khu vực

Việt Nam quyết tâm trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất ít nhất 100 loại thuốc biệt dược gốc, vaccine và sản phẩm sinh phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng phấn đấu xây dựng 8 vùng khai thác dược liệu tự nhiên và 2-5 vùng trồng dược liệu quy mô lớn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Hướng tới việc đạt chứng nhận cấp độ 3 của WHO về năng lực quản lý thuốc và vaccine. Duy trì 100% cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt, với 20% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế như EU-GMP, PICs-GMP.

100% thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát

Ngành dược phấn đấu có 30% thuốc generic được sản xuất trong nước và nhập khẩu được đánh giá tương đương sinh học với các loại thuốc đối chứng, trừ thuốc có tác dụng tại chỗ và toàn thân. Toàn bộ thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường sẽ được giám sát và quản lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều sử dụng thuốc theo tổ chức, triển khai hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 1 người/100 giường bệnh nội trú và 2 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày. Cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân

Phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số

Chiến lược đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số trong ngành dược, với việc số hóa 100% thông tin thuốc cấp phép và liên kết toàn bộ cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu, và bán lẻ trên toàn quốc. Đặc biệt, đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành dược.

Mục tiêu đến năm 2045 là sản xuất thuốc trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa và mở rộng xuất khẩu, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, với ít nhất 20% được đào tạo chuyên ngành dược lâm sàng. Chiến lược cũng tập trung vào hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, và hợp tác quốc tế để đảm bảo ngành dược hiện đại và đóng góp trên 20 tỷ USD vào GDP.

Quản lý sát sao hệ thống phân phối cung ứng thuốc

Chiến lược sẽ quy hoạch hệ thống cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, đặc biệt tập trung phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn.

Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc trong nước, đảm bảo sự hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc từ sản xuất đến sử dụng, đồng thời quyết liệt phòng ngừa và xử lý các trường hợp thuốc giả và kém chất lượng.

Đồng thời, cải thiện chất lượng thanh tra dược tại cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc, tập trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong tư vấn sử dụng thuốc từ trung ương đến cơ sở y tế. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới, đồng thời kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu để ngăn chặn vi phạm và bảo vệ nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước và vận chuyển ra nước ngoài.

Lời kết
Dù thị trường còn nhiều ẩn số, song nhìn chung, với sự phát triển ngày càng lớn, ngành dược đang phải đón nhận những có hội quan trọng để thay đổi và toàn diện và bứt phá trở thành trụ cột kinh tế trong thời đại mới. 

Lê Vũ - PharMarketing 

Nguồn Tổng hợp

 

 

Nguồn: Tổng hợp
Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn