Định vị thương hiệu là gì? 6 bước tạo chiến lược định vị thành công
Định vị thương hiệu là một trong những chiến lược giúp doanh nghiệp “ghim” hình ảnh sản phẩm vào trong tâm trí của người tiêu dùng. Từ đó gia tăng lòng trung thành của khách hàng và giúp thương hiệu trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Vậy cần làm gì để định vị thương hiệu thành công? Hãy cùng PharMarketing tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Định vị thương hiệu là gì?
Theo định nghĩa của Philip Kotler thì: “Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo cho sản phẩm và thương hiệu một vị trí đặc biệt trong tâm trí của khách hàng”.
Định vị thương hiệu là chiến lược quan trọng của mọi doanh nghiệp
Nói cách khác, định vị là những nỗ lực mà doanh nghiệp thực hiện để cải thiện vị thế của mình trong tâm trí khách hàng. Đó là những điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng cảm nhận hoặc liên tưởng đến mỗi khi nhắc tới với thương hiệu của mình. Hiểu một cách đơn giản hơn, giống như việc con người cần một vị thế trong xã hội để khẳng định bản thân thì thương hiệu cũng cần được định vị để khẳng định sức mạnh của mình.
Một chiến lược định vị thương hiệu tốt sẽ bao gồm những yếu tố sau:
- Nhấn mạnh sự khác biệt so với đối thủ: Nhằm đảo bảo tính độc nhất (unique)
- Đem lại giá trị: Sản phẩm cung cấp giải pháp tuyệt vời cho các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.
- Thể hiện rõ giá trị cốt lõi của công ty: Nhấn mạnh vào những giá trị tốt đẹp mà công ty đang hướng đến (tầm nhìn, sứ mệnh…).
Tại sao định vị thương hiệu lại quan trọng
Định vị thương hiệu luôn là hoạt động không thể thiếu trong chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp bởi nó nắm giữ những vai trò vô cùng quan trọng:
Định vị giúp doanh nghiệp xác định rõ và chính xác: đối thủ cạnh tranh, xu hướng trên thị trường để từ đó tạo được chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
Giúp doanh nghiệp luôn có một lượng khách hàng trung thành ổn định
Doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh mà không cần tốn quá nhiều chi phí.
Định vị tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Các loại chiến lược định vị thương hiệu
Để định vị thương hiệu một cách hiệu quả nhất, bạn cần căn cứ vào mục đích để lựa chọn những chiến lược phù hợp. Dưới đây là một số chiến lược định vị phổ biến mà bạn nên tham khảo để tạo sự khác biệt cho thương hiệu:
Chiến lược định vị dịch vụ khách hàng
Dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, thân thiện sẽ tạo cho khách hàng những ấn tượng tốt với thương hiệu. Lợi ích lớn nhất của chiến lược này đó là gia tăng lòng trung thành của khách hàng, giúp doanh nghiệp sở hữu một lượng khách hàng lớn sẵn sàng mua sản phẩm/dịch vụ mà không quan tâm nhiều đến giá cả. Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao là một trong những thương hiệu đã sử dụng tốt phương pháp định vị này.
Chiến lược định vị dựa trên dịch vụ khách hàng
Chiến lược định vị sự thuận tiện
Chiến lược này lý giải lý do vì sao sản phẩm/doanh nghiệp của bạn tiện lợi hơn nhiều so với đối thủ. Sự thuận tiện có thể dựa trên: vị trí cửa hàng, dễ sử dụng, hỗ trợ nhiều nền tảng… Chiến lược định vị sự thuận tiện sẽ có hiệu quả trong việc thu hút những người tiêu dùng bận rộn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó sẽ gây ra tốn kém về chi phí.
Chiến lược định vị giá
Các doanh nghiệp sử dụng chiến lược này để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của mình là sự lựa chọn hợp lý nhất cho khách hàng. Định vị giá rẻ là cách đơn giản nhất để có thể thu hút được nhiều khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Điểm hạn chế của chiến lược này là có thể khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm/dịch vụ khi mức giá quá rẻ.
Chiến lược định vị dựa trên chất lượng
Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định một người có trở thành khách hàng trung thành hay không. Chất lượng của một sản phẩm/dịch vụ được thể hiện qua tính năng, thời hạn sử dụng và lợi ích nó đem lại cho khách hàng. Để sử dụng chiến lược này hiệu quả nhất, bạn nên nghiên cứu insight khách hàng để phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó một cách tốt nhất.
Chiến lược định vị sự khác biệt
Chiến lược định vị thương hiệu này dựa trên sự độc nhất của sản phẩm/dịch vụ. Sự khác biệt thường dễ thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng, khiến họ cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn về sản phẩm/dịch của bạn. Tuy nhiên, nhược điểm của chiến lược này có thể khiến khách hàng cảm thấy phân vân trong việc đưa ra quyết định mua hàng.
Chiến lược định vị trên mạng xã hội
Điều quan trọng khi sử dụng chiến lược này đó là lựa chọn các nền tảng mạng xã hội mà khách hàng mục tiêu của bạn sử dụng nhiều nhất. Một thương hiệu không nhất thiết phải xuất hiện trên tất cả nền tảng nhưng cần lựa chọn kênh phù hợp để chiến lược định vị đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy nghiên cứu và phân tích khách hàng mục tiêu để xác định: Đâu là mạng xã hội họ sử dụng nhiều nhất để tìm kiếm thông tin? Thói quen mua sắm của họ trên nền tảng đó là như thế nào?
Chiến lược định vị khác
Một số chiến lược định vị khác mà bạn có thể sử dụng đó là: thương hiệu dẫn đầu, đầu tiên trên thị trường, phổ biến nhất hoặc là giải pháp hoàn hảo cho một vấn đề phổ biến… Khi định vị thương hiệu cần đảm bảo phân tích kỹ chân dung khách hàng mục tiêu, thói quen và hành vi của họ để quyết định phương pháp định vị phù hợp nhất.
Các bước tạo chiến lược định vị thương hiệu
6 bước tạo chiến lược định vị thương hiệu
Bên cạnh việc hiểu rõ các loại chiến lược định vị thương hiệu, bạn cần nắm chắc các bước tạo chiến lược định vị sau:
Bước 1: Định vị thương hiệu hiện tại
Người xưa thường nói “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, do đó để tạo chiến lược định vị thương hiệu thành công thì bước đầu chính là xác định vị trí hiện tại của thương hiệu trên thị trường. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xem xét: Giá trị cốt lõi của là gì? Khách hàng họ nói gì khi nhắc đến thương hiệu? Điểm nổi bật của sản phẩm/dịch vụ… Mục đích của việc này là có được cái nhìn rõ hơn về thương hiệu trong thời điểm hiện tại để làm cơ sở cho các bước tiếp theo.
Bước 2: Nhận dạng khách hàng mục tiêu
Bước tiếp theo bạn cần làm đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu để phân chia khách hàng thành các nhóm có cùng đặc điểm như: tuổi, giới tính, vị trí địa lý, sở thích, thói quen… Và quan trọng nhất là xác định được nhu cầu của họ trong phân khúc thị trường này là gì? Nhận dạng đúng khách hàng mục tiêu là bước quan trọng giúp chiến lược của doanh nghiệp đi đúng hướng.
Bước 3: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh là bước đệm giúp doanh nghiệp gia tăng vị thế trên thị trường. Ở bước này, bạn cần xác định: định vị của đối thủ, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức có thể xảy ra với đối thủ,… Để làm tốt điều này, bạn có thể phân tích bằng cách: tiến hành nghiên cứu thị trường, khảo sát phản hồi của khách hàng, đo lường độ phủ thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông xã hội…
Bước 4: Nghiên cứu các giá trị độc đáo cho thương hiệu
Từ những nghiên cứu về đối thủ tại bước 3, bạn đã có trong tay những điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, việc cần làm bây giờ đó là tận dụng những điểm yếu của họ để làm nổi bật điểm mạnh thương hiệu của bạn. Điểm khác biệt chính là chiếc chìa khóa giúp thương hiệu nổi bật so với đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, nó cũng là điểm khởi đầu hoàn hảo để định vị thương hiệu.
Bước 5: Lựa chọn phương pháp định vị thương hiệu phù hợp
Dựa trên 7 phương pháp chiến lược định vị mà PharMarketing giới thiệu ở phía trên, bạn hãy lựa chọn 1 trong 7 loại chiến lược phù hợp nhất với thương hiệu của mình. Trong bước này, bạn cần xem xét thật kỹ những dữ liệu đã phân tích để đưa ra phương pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Nhiệm vụ của bạn bây giờ sẽ là xây dựng và triển khai định vị thương hiệu một cách rõ ràng, cụ thể để đạt được hiệu quả đã đề ra.
Bước 6: Tạo sơ đồ định vị thương hiệu
Sơ đồ định vị thương hiệu là một biểu đồ bao gồm trục tung và trục hoành được sử dụng để trình bày một cách trực quan về sự cạnh tranh của các thương hiệu trong một thị trường Tạo sơ đồ định vị giúp bạn xác định được vị trí của mình và đối thủ đang ở đâu. Từ đó tìm ra khoảng trống cơ hội trên thị trường và có thể định hình ý tưởng độc đáo, để lại ấn tượng trong tâm trí khách hàng.
Ví dụ về định vị thương hiệu
Để hiểu rõ hơn về brand positioning, hãy cùng phân tích ví dụ về định vị thương hiệu của Apple:
Trước khi trở thành 1 trong 4 ông lớn khổng lồ của ngành công nghệ như hiện tại, Apple cũng chỉ là một thương hiệu không có điểm khác biệt nào nổi bật so với các công ty khác. Nhưng hiện nay, Apple đã trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu với các sản phẩm: Iphone, Ipad, Airpod và Macbook. Để có thành công như ngày hôm nay, định vị thương hiệu chính là giá trị cốt lõi giúp Apple vươn mình, trở thành thương hiệu số một thị trường.
Apple là một trong những thương hiệu định vị thương hiệu thành công nhất trên thế giới
Chiến lược định vị dựa trên chất lượng
Apple đã định vị thương hiệu dựa trên 3 yếu tố cốt lõi: Simplicity (Sự đơn giản), Creativity (Sự sáng tạo) và Humanity (Sự nhân văn), nhằm xây dựng thương hiệu cao cấp mang đến phong cách sống hiện đại.
Các sản phẩm của Apple luôn tập trung vào chất lượng để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng: thiết kế tinh tế, sử dụng dễ dàng, thao tác mượt mà, mỏng nhẹ dễ dàng mang đi xa. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Apple cũng khiến khách hàng cảm thấy thoải mái và tự tin khi sử dụng.
Ngoài ra, Apple tận dụng phản hồi tốt của người dùng, nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội để xây dựng niềm tin của người dùng với thương hiệu.
Chiến lược định vị sự khác biệt
Apple định vị mình là một thương hiệu cao cấp, không bị ảnh hưởng bởi khả năng chi trả của người dùng và họ cũng có một tệp khách hàng trung thành nhất định. Các sản phẩm của Apple nhắm đến những người dư dả về tài chính. Để tạo được định vị cao cấp như vậy, Apple tập trung vào các điểm sau:
Thiết kế tinh tế, sang trọng: Các sản phẩm của Apple luôn được thiết kế chỉn chu, đồng nhất từ các gam màu đến kiểu dáng. Các cửa hàng của Apple mang lại cảm giác sang trọng ngay khi bước vào.
Liên tục cho ra mắt các phiên bản mới: Điều này khiến sản phẩm có “tuổi thọ” ngắn và nhanh chóng lỗi thời nếu phiên bản mới được phát hành. Phiên bản mới sẽ có sự nâng cấp về thiết kế cũng như phần mềm nhằm đảm bảo khách hàng luôn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Bên cạnh đó, việc liên tục cho ra mắt sản phẩm mới sẽ kích thích nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng.
Kết luận
Có thể thấy, định vị thương hiệu là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự hiện diện của bạn trên bản đồ thị trường. Một định vị được coi là lý tưởng khi nó là điểm giao thoa giữa sức mạnh cốt lõi của công ty và nhu cầu của người dùng. Hy vọng với những kiến thức được chia sẻ trong bài viết này, bạn đã có thêm những kiến thức để phát triển thành công thương hiệu của mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn