backtop

Báo cáo doanh thu ngành Dược 2022: Nhiều doanh nghiệp bứt phá lãi lớn

Động lực từ làn sóng tự chăm sóc sức khỏe sau đại dịch đã thúc đẩy doanh thu ngành Dược phẩm 2022 tăng trưởng đột phá, nhiều doanh nghiệp đạt mức kỷ lục.

Nhiều doanh nghiệp Dược báo lãi kỷ lục 2022

Nhiều doanh nghiệp Dược phẩm đã công bố doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 - Đánh dấu một năm phát triển đột phá của ngành Dược phẩm. 

Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Dược phẩm trung ương 1,... đều ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế lớn. Imexpharm và Dược Hậu Giang cùng báo lão kỷ lục lần lượt 234 tỷ và 998 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch năm. Dược Cửu Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 141,5 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021, lần đầu vượt ngưỡng 1000 tỷ doanh thu sau 46 năm hoạt động.

Doanh nghiệp Dược phẩm Việt Nam lãi lớn 2022
Nhiều doanh nghiệp Dược phẩm Việt Nam báo lãi lớn 2022

Dược phẩm trung ương 1 - Pharbaco công bố lợi nhuận sau thuế đạt hơn 62 tỷ đồng, tăng trưởng tới 125% so với cùng kỳ, vượt 15% kế hoạch năm. Dược phẩm trung ương 3 - Foripharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, doanh nghiệp Đông Dược số 1 Việt Nam 2022 (Theo VietNam Report) - Traphaco báo lãi ròng đạt 293,4 tỷ đồng, vượt 11% cùng kỳ 2021. Dược phẩm OPC lãi kỷ lục 142,4 tỷ đồng, tăng 15,4% và vượt mức chỉ tiêu năm 3%. CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định tăng trưởng 29% đạt 244 tỷ đồng.

Bên cạnh các ông lớn trong ngành, nhiều doanh nghiệp Dược cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. CTCP SPM báo lãi 24,6 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) lãi 83,4 tỷ đồng, tăng 29%, Dược phẩm Trung ương CPC1 báo lãi 50,5 tỷ đồng, tăng 12%,....

Tiếp tục kỳ vọng mức doanh thu lớn cho ngành Dược phẩm 2023

Theo dự đoán của SSI, nửa đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp Dược phẩm sẽ gặp phải khó khăn do nguồn cung Hoạt chất Dược dụng - API (Active Pharmaceutical Ingredient). Hiện nay, 70% API được sử dụng trong sản xuất thuốc Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc chỉ vừa mới mở cửa trở lại do những lo sợ về dịch bệnh, đồng thời nguồn cung toàn cầu cũng bị ảnh hưởng từ tình hình chính trị căng thẳng tại Châu Âu với Nga và Ukraine. 

Như vậy, những doanh nghiệp sản xuất Dược với nguồn cung dược liệu trong nước sẽ ít bị ảnh hưởng và có được nhiều lợi thế hơn, điển hình như Traphaco. 

Đồng thời các ông lớn trong ngành cũng đang tập trung vào công cuộc chạy đua về chất lượng Dược phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất Dược phẩm tiêu biểu như Hậu Giang, Traphaco, Dược Cửu Long, Imexpharm,... đặt mục tiêu xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU GMP. Đây là tiêu chí quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất Dược phẩm trong nước dành ưu thế nhiều hơn trong đấu thầu tại bệnh viện công, tăng khả năng cạnh tranh cho Dược phẩm trong nước so với nguồn thuốc nhập khẩu. Tuy nhiên, GMP không phải là một mục tiêu đơn giản, tính đến tháng 1/2023 mới chỉ có 8 công ty sở hữu nhà máy đạt chuẩn GMP tại Việt Nam. Chi phí đầu tư và duy trì cho một nhà máy GMP là rất lớn, cùng với những tiêu chuẩn khắt khe và thời gian phê duyệt dài.

Các doanh nghiệp Dược nỗ lực đạt chuẩn nhà máy GMP
Dược Hậu Giang cùng nhiều doanh nghiệp Dược nỗ lực xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP

Tuy vậy, các đơn vị phân tích đều đặt kỳ vọng lớn cho ngành Dược phẩm 2023. Bởi lẽ Dược phẩm & Y tế sẽ là một trong số ít ngành nằm ngoài làn sóng suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Mặc dù sẽ gặp phải một số cản trở về chi phí nguyên vật liệu tăng do lạm phát, nhưng nhu cầu Dược phẩm trong năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. SSI kỳ vọng doanh thu ngành năm 2023 sẽ tăng 8% lên 7,2 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2022 - 2026.

Nguồn: Nhadautu
Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn