backtop

Lợi nhuận ngành Dược Quý 1/2023: Một số doanh nghiệp "ngược chiều" giữa loạt tăng trưởng “khủng”

15:11- 22/05/2023

Qúy 1/2023, ngành Dược phẩm có sự phân hóa rõ rệt khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong khi một số nhãn hàng ghi nhận tăng trưởng âm.

Thị trường Dược phẩm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoài làn sóng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh doanh Quý 1/2023 của nhiều doanh nghiệp Dược phẩm cho thấy nhiều sự phân hóa rõ rệt về lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Trong khi một số doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Tổng công ty Dược Việt Nam hay Dược Trung ương 1,... tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Thì một số cái tên như Ladophar, Traphaco,... lại ghi nhận mức lợi nhuận âm trong quý 1.

Nhiều doanh nghiệp Dược tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong Qúy 1/2023

Đứng trước cơn bão suy thoái kinh tế, thị trường Dược phẩm Việt Nam vẫn ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2023. Nhờ nhu cầu và giá bán về các dòng sản phẩm như kháng sinh, giảm đau, hạt sốt duy trì ở mức cao, trong khi đó chi phí nguyên liệu đầu vào đã có tín hiệu hạ nhiệt hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp bứt tốc tăng trưởng mạnh. 

Trong đó phải kể đến Dược Hậu Giang với mức lợi nhuận sau thuế Quý 1 lên tới 361 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với thời điểm cùng kỳ 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất ghi nhận được trong 1 quý kể từ khi Dược Hậu Giang đi vào hoạt động. Với mức lợi nhuận này, Dược Hậu Giang đã hoàn thành gần 35% kế hoạch lãi trước thuế của năm 2023.

Theo như giải trình từ phía doanh nghiệp, sở dĩ mức tăng trưởng kỷ lục này đến từ việc tập trung đẩy bán các dòng sản phẩm chủ lực như: kháng sinh, giảm đau hạ sốt như Hapacol, Klamentin, Haginat,... Ngoài ra, Dược Hậu Giang có được lợi thế về nguồn cung nguyên liệu khi chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tương tự, Vinapharm - Dược Việt Nam (DVN) cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế Quý 1/2023 đạt kỷ lục - 111 tỷ đồng, tăng trưởng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đến từ tình hình kinh doanh rất khả quan của DVN trong quý 1, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ, doanh thu tài chính tăng 84%, lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 42%, trong khi chi phí được tiết giảm đáng kể.

Đặc biệt, thị trường Dược phẩm Quý 1 chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc của CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội. Doanh thu thuần của đơn vị này đạt 234 tỷ đồng, tăng trưởng tới 95% so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận gộp đạt 119 tỷ, tăng 99%. 

Ngoài ra, Pharbaco - CTCP Dược phẩm Trung ương I (FBC) cũng là một trong những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong quý 1/2023. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng tới 480% so với cùng kỳ 2022, đạt gần 24 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp Dược phẩm “ngược chiều, tăng trưởng âm trong quý 1/2023

Trái lại với bức tranh đầy tích cực của thị trường Dược phẩm nói chung, một số doanh nghiệp Dược lại báo mức tăng trưởng âm: Traphaco tăng trưởng - 11%, Dược OPC (-28%), Agimexpharm (-4%), Ladophar - Dược Lâm Đồng báo lỗ 6 tỷ đồng,... Trong đó, Ladophar là doanh nghiệp duy nhất báo lỗ trong quý 1, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 doanh nghiệp này còn ghi nhận mức lãi 2 tỷ đồng. 

Về phía Traphaco, doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong khi lãi sau thuế giảm đi 11%. Lý giải cho điều này, có thể thấy Qúy 1/2023 Traphaco đã chi rất mạnh tay cho các hoạt động quảng cáo. Ngoài ra các chi phí khác cũng đều có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Báo cáo doanh thu ngành Dược phẩm Qúy 1 2023
Báo cáo doanh thu ngành Dược phẩm Qúy 1 2023 - Nguồn: Suckhoeviet.org

Doanh nghiệp Dược Việt Nam sẽ phải đối mặt với những gì trong thời gian tới?

Theo những phân tích từ SSI Research, nửa đầu năm 2023 vẫn sẽ còn tồn tại nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Dược phẩm. Đặc biệt là về việc gián đoạn chuỗi cung ứng khi nguồn cung hoạt chất API và tá dược dễ xảy ra tình trạng thiếu hụt. Hiện nay, khoảng 65% API được sử dụng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, suy thoái cũng tế cũng có thể ảnh hưởng đến mức chi tiêu của người dân cho việc chăm sóc sức khỏe. 

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng kênh ETC sẽ trở nên dễ thở hơn. Các bệnh viện công có sự tự chủ cao hơn về nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng ùn tắc tại bệnh viện,... Từ đó, lượng người điều trị tại bệnh viện có thể cải thiện đáng kể, thúc đẩy sự tăng trưởng của kênh ETC.

Để lại thông tin
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn