Pharmacity, FPT Long Châu, An Khang - Những ông lớn thống trị thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cùng mức thu nhập của người dân ngày càng gia tăng đã tạo điều kiện cho ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong năm vừa qua. Đặc biệt sau những tác động của làn sóng Covid 19, bối cảnh thị trường ngành dược đã có những biến động mạnh mẽ với sự thống trị của 3 cái tên FPT Long Châu, An Khang và Pharmacity.
Thực trạng thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam
Theo những thống kê từ BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm được dự đoán sẽ tăng từ mức doanh thu 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên tới 16,1 tỷ USD trong năm 2026. Đồng thời, ngành dược sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11% và Việt Nam là một trong những thị trường sở hữu mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á. Trong đó, Pharmacity, FPT Long Châu và An Khang đang là 3 ông lớn thống trị ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam.
Sau đại dịch, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam ngày càng khốc liệt
FPT Long Châu
Công bố từ FPT Retail, Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng trong năm 2021 và lần đầu báo lãi 4,9 tỷ đồng sau khoản lỗ 158 tỷ đồng hai năm 2019-2020. Điều này đã giúp FPT Long Châu nhanh chóng vượt qua mục tiêu ban đầu là dự kiến báo lãi vào năm 2023.
Cuối năm 2021, Long Châu phủ sóng toàn quốc với 400 nhà thuốc, hợp tác với các thương hiệu lớn trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế. Và đơn vị này tuyên bố sẽ tiếp tục tăng độ phủ trên thị trường với mục tiêu đạt 800 nhà thuốc vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, FPT Long Châu cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hóa. (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Pharmacity
Trong năm 2021, Pharmacity tiếp tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới của mình lên khoảng 800 nhà thuốc trên toàn quốc, ghi nhận 27 triệu giao dịch và số lượng khách hàng thành viên vượt 7 triệu. Nhờ đó, doanh thu năm 2021 của thương hiệu này đã đạt mức 3.567 nghìn tỷ đồng (158 triệu USD) cao hơn gấp đôi so với năm 2020. Hiện tại, doanh nghiệp này có 1.000 nhà thuốc chuẩn GPP trên toàn quốc và đội ngũ 4.600 dược sĩ.
Cũng giống như FPT Long Châu, Pharmacity ấp ủ tham vọng phủ kín toàn bộ thị trường dược Việt Nam với 5000 nhà thuốc vào năm 2025 và đặt mục tiêu 50% người dân Việt Nam có thể đến với các nhà thuốc chỉ với 10 phút di chuyển.
An Khang
Mới đây MWG - Công ty mẹ của An Khang vừa công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022 trong đó chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận doanh số trong ba tháng đầu năm gấp 3.7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra doanh nghiệp nay cũng đặt mục tiêu cho An Khang trong năm 2022 bao gồm việc triển khai layout mới và nhân rộng mô hình, tăng tốc cả về doanh thu cũng như số lượng cửa hàng, hướng tới cột mốc 400 cửa hàng trước quý III/2022.
Có gì đặc biệt trong chiến lược tiếp thị của những Ông lớn ngành dược
FPT Long Châu
Đến từ một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn FPT, Long Châu nhanh chóng gặt hái sự tin tưởng của người dùng trên khắp cả nước. FPT Long Châu định vị thương hiệu với những thế mạnh nổi bật như thuốc chính hãng với mức giá cạnh tranh, danh mục thuốc đa dạng từ thuốc kê theo toa, thuốc không kê, sản phẩm bổ trợ sức khỏe, thiết bị y tế,... và đặc biệt là phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng như: Dược sĩ tư vấn trực tiếp tại cửa hàng, hỗ trợ giao hàng tận nơi,... Định hướng trong năm 2022, Long Châu tiếp tục mở rộng với khoảng 50 sản phẩm nhãn riêng. (Nguồn: Nhịp sống kinh tế).
Ngoài ra, Long Châu có được lợi thế khi tận dụng hệ thống phân phối hùng mạnh đến từ FPT Retail, nhanh chóng tiếp cận người dân và giúp các nhà thuốc phủ sóng thần tốc khắp cả nước.
Long Châu tận dụng tối đa thế mạnh của hệ thống FPT Retail
Pharmacity
Một trong những điểm đặc biệt nhất bên trong chiến lược tiếp thị của Pharmacity chính là hệ thống kênh phân phối. Không khó để bắt gặp hình ảnh của Pharmacity đang có mặt tại những vị trí đắc địa nhất trên khắp cả nước như các ngã tư, mặt đường lớn. Doanh nghiệp này đẩy mạnh chiến lược phân phối rộng khắp với tham vọng đạt 5000 nhà thuốc vào năm 2025, hướng tới mục tiêu mọi người dân Việt Nam đều có thể nhanh chóng tiếp cận nhà thuốc chỉ với 10 phút di chuyển.
Ngoài ra, Pharmacity cũng rất chú trọng đến các hoạt động chăm sóc khách hàng với những ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng thân thiết như Extracare, đồng thời phát triển phát triển các dịch vụ trực tuyến với “super app”.
Pharmacity chiếm đóng những vị trí đắc địa như mặt đường lớn, ngã tư,...
An Khang
Cũng giống như Long Châu và Pharmacity, An Khang cũng đang trong chiến lược đẩy mạnh hệ thống kênh phân phối phủ sóng trên khắp cả nước. Với lợi thế mạng lưới kênh phân phối rộng khắp đến từ công ty mẹ MWG (Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh,...). Cụ thể từ năm 2021, MWG đã tiến hành kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hóa Xanh, với mục đích thu hút lượng khách hàng khổng lồ của thương hiệu này.
Tuy vậy, An Khang dường như đang có phần yếu thế hơn so với FPT Long Châu và Pharmacity, thương hiệu này vẫn đang trong quá trình đầu tư mở rộng sau khi mới sáp nhập vào MWG.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hãy để PharMarketing tư vấn cho bạn
PharMarketing sẽ liên hệ lại với bạn